Có một sự thật là những người vượt trội đã thành công vì có thông minh đến mấy họ cũng không khi nào ngừng làm việc.
Gần 11h đêm xuống tới sân bay, tôi gọi Grab vì muộn không muốn hẹn xe nhà ra đón. Hai lái xe nhận cuốc đều nói huỷ vì “Em (thì) đang ở Mỹ Đình” còn “Em (thì) vừa bị công an bắt đang trình giấy tờ”. Tới anh thứ 3, tôi dè chừng hỏi “Anh đang ở đâu…”. Lên xe rồi mới được anh 3 khai sáng rằng anh 1 và anh 2 thực ra là không muốn chở mình vì: 1) đi gần (chỉ về HN, chứ không đi tỉnh); và 2) đi bằng thẻ.
Nhưng anh 3 hoá ra lại hay: chuyên chạy sân bay, từ 5h chiều tới 2h sáng, tuần 7 ngày làm cả 7. Chiến lược của anh là không kén chọn chuyến xa chuyến gần, thẻ hay tiền mặt, cứ đến lượt là đi, về rồi lại lên, tập trung vào lái… Kết quả là: ngày nào thu nhập cũng trên dưới 2 triệu đồng và cả tháng, trừ chi phí, anh còn 45 triệu đồng.
Tôi kể mình làm sale (bán hàng) nên hay đi Grab và Uber (thì cũng phải chọn nghề nào hay hay một chút), anh bảo “Anh tin là lương anh cao hơn em, vì em có phải tháng nào cũng ký được hợp đồng đâu, anh thì ngày nào chả có khách”. Xe mua 2 năm trước 570 triệu đồng, trả hết rồi, giờ chỉ cần giữ gìn kéo dài tuổi thọ xe là anh ngồi đếm lãi.
Chuyện của anh 3 thoạt nghe có vẻ như là “ai chả làm thế”, nhưng trong 3 lái xe tôi gặp ngẫu nhiên, chỉ một người nghĩ và làm được điều này. Tôi tin là thu nhập của anh 3 cao hơn hẳn 2 người kia và cao hơn rất nhiều tài xế khác. Lý do không phải vì anh ấy thông minh hay giỏi giang hơn người khác. Mà vì anh ấy có thái độ và tinh thần làm việc ít người có.
Trong tiếng Anh cái này gọi là: work ethic ( tạm dịch là đạo đức công việc). Tiếng Việt không có từ này – và phải chăng vì thế mà khái niệm này chưa được đề cao trong văn hoá của chúng ta?.Người có work ethic tin rằng làm việc nghiêm túc và chăm chỉ là một đức tính tốt và sẽ mang lại thành công cho mỗi cá nhân. Work ethic là một tiêu chí rất được đề cao bởi nhà tuyển dụng và người quản lý ở những nước có nền kinh tế phát triển.
Chúng ta đang sống trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, khi mà những thuật ngữ như IoT (Internet of Things – Internet vạn vật) và AI(Artificial Intelligence – Trí tuệ nhân tạo) hứa hẹn một thế giới có vẻ như chỉ cần thông minh là sẽ thành công, thì khái niệm work ethic sẽ khó tìm chỗ đứng trong đầu giới trẻ. Tuy nhiên, bạn không bao giờ có thể đủ thông minh để không phải làm việc mà vẫn thành công.
Bạn có thể có những ý tưởng hay nhất, biết phân tích giỏi nhất, có nhiều quan hệ nhất… Rồi cuối cùng bạn vẫn sẽ thua những người chăm chỉ, nghiêm túc, biết tập trung vào mục tiêu của họ và trên hết hiểu rằng cái gì tốt đẹp thì cũng đều có giá của nó.
Dù sếp của bạn sẽ thích bảo bạn “work smart” (làm việc thông minh) hơn là “work hard” (làm việc chăm chỉ) – tôi thì muốn bạn làm cả 2, thì họ cũng vẫn không thể bỏ từ “work” (làm việc). Và còn một sự thật nữa là, những người vượt trội (từ Elon Musk đến nhiều người có vị trí và tài năng mà tôi biết) đã thành công vì có thông minh đến mấy họ cũng không khi nào ngừng làm việc.
Đào Thu Hiền (Giám đốc Công ty Cổ phần Golden Path Academics Việt Nam (GPA)