Đang ngồi làm việc nhưng lại nghĩ về chuyến đi du lịch của năm trước, đi ăn sinh nhật người bạn nhưng lại nghĩ về tương lai của cả hai… tất cả những rối loạn đó đều do một cỗ máy mang tên thời gian tạo nên.

Ai cũng biết rằng phải sống đúng với thực tại, thế nhưng vì sao chẳng mấy người làm được điều ấy?

Rất nhiều người trong số chúng ta gặp phải một vấn đề nghe có vẻ kỳ cục: Không thể hoàn toàn sống trong khoảng thời gian chúng ta gọi là “hiện tại”.

Có thể chúng ta đang ở trên một bãi biển đẹp thơ mộng một ngày nắng đẹp, bầu trời trong xanh và những cây cọ xòe tán cực kỳ duyên dáng xung quanh, nhưng tâm trí chúng ta cứ ở đâu đâu, có thể là nghĩ về công việc hoặc một cuộc thảo luận tưởng tượng với đối thủ cạnh tranh hay đang ấp ủ về một công ty mới.

Hay khi đang ở bữa tiệc sinh nhật của một cậu bé, nhưng bạn lại cứ nghĩ về những thời điểm trong quá khứ và một tương lai tưởng tượng tự mình vẽ ra cho cậu bé này.

Điều gì khiến cho hiện tại, đặc biệt là những khoảnh khắc đẹp đẽ đáng nhớ, trở nên cực kỳ khó khăn cho chúng ta không thể trải nghiệm hoàn toàn? Và tại sao rất nhiều sự kiện khiến chúng ta thấy vui và nhận thức được chỉ khi chúng đã qua rồi?

Quá khứ có ưu thế ở chỗ nó là phiên bản thu gọn được chỉnh sửa của hiện tại. Thậm chí cả những ngày tốt đẹp nhất trong cuộc sống của chúng ta cũng hàm chứa những khoảnh khắc nhạt nhẽo hoặc khó chịu.

Nhưng trong ký ức, chúng ta chỉ chú ý đến những khoảnh khắc quan trọng nhất; và vì thế tạo ra những chuỗi sự kiện khiến ta thấy có ý nghĩa lớn lao và thú vị hơn rất nhiều so với bối cảnh tạo ra chúng. Hàng giờ liền nhạt nhẽo có thể thu gọn lại còn 6 bức ảnh hoàn hảo. Lòng hoài niệm chính là hiện tại được chỉnh sửa bởi một chiếc máy mang tên thời gian.

Đa phần yếu tố làm hỏng hiện tại chính là sự lo lắng. Hiện tại luôn chứa đựng vô số những khả năng, và nhiều khả năng trong số đó không hề tốt đẹp. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, một trận động đất, một cơn tai biến, một sự chối từ – tất cả đều tạo nên nỗi lo lắng mơ hồ đeo bám mãi lấy chúng ta, khiến ta lo sợ vì không biết điều gì sắp đến. Nhưng tất nhiên sau đó chỉ có rất ít những điều tồi tệ xảy ra và chúng ta quên ngay đi nỗi lo lắng (hoặc chuyển nó qua một hiện tại mới).

Cơ thể của chúng ta cũng góp phần vào sự phân tâm khiến chúng ta xa rời thực tại. Nó có tâm trạng riêng, lịch trình riêng. Nó có thể thấy mệt mỏi và e dè vào đúng lúc cả thế giới xung quanh đang đòi hỏi chúng ta phải mạnh mẽ và tự tin. Nhưng những trạng thái trái ngược này cũng được chỉnh sửa và loại ra khỏi ký ức; chúng ta sẽ nhớ về cảnh hùng vĩ của đại dương lâu hơn so với những chi tiết khó chịu vụn vặt vào lúc đó.

Tâm trí của chúng ta là những ma trận hỗn loạn và nhiều lối đi. Chúng ta cần phải chuẩn bị cho lối đi kỳ quái nhất, ở đó chúng ta phải bám sát lấy thực tại chứ không được đổ lỗi cho những trở ngại mà cơ thể và tâm trí vô tình gặp phải.

Chúng ta cần phải sẵn sàng cho sự biến chuyển bất ngờ này ở cả những người khác nữa – chẳng hạn như lúc họ trông cực kỳ lo lắng ở một bữa tiệc toàn người xa lạ hay có vẻ xao lãng khi không chú tâm vào câu chuyện mà ta kể cho họ. Nguyên nhân có thể chỉ là họ gặp khó khăn khi không thể hoàn toàn hòa mình vào thực tại mà thôi.

Đinh Vân

Theo Trí Thức Trẻ

BÌNH LUẬN