Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói rằng đang có sự dịch chuyển đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế thế giới…

IMF: “Vai trò đầu tàu của kinh tế Mỹ đang suy giảm”

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói rằng thế giới đang phụ thuộc ngày càng ít vào nền kinh tế Mỹ trong việc duy trì đà phục hồi tăng trưởng toàn cầu.

Hãng tin CNN dẫn báo cáo hàng quý Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) được IMF công bố ngày 24/7 tại Kuala Lumpur, Malaysia, nói rằng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm nay và 3,6% trong năm 2018, không thay đổi so với dự báo đưa ra trong báo cáo hồi tháng 4. Năm 2016, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,2%.

Tuy nhiên, bản báo cáo nói rằng đang có sự dịch chuyển đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Trong đó, kinh tế toàn cầu đang giảm độ phụ thuộc vào Mỹ và Anh, đồng thời tăng độ phụ thuộc vào Trung Quốc, Nhật Bản, Eurozone, và Canada.

Tuần trước, tỷ giá đồng USD đã giảm mức thấp nhất trong hơn 1 năm do giới đầu tư lo ngại về khả năng của Tổng thống Mỹ Donald Trump thực thi những lời hứa kích cầu tăng trưởng. Sự lo ngại gia tăng sau khi những nỗ lực của phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ nhằm xóa bỏ và thay thế đạo luật y tế Obamacare rơi vào thất bại.

IMF dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% trong năm nay và năm tới, giảm mạnh so với mức dự báo tăng 2,3% trong 2017 và 2,5% trong năm 2018 đưa ra trong báo cáo tháng 4. Năm ngoái, kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,6%.

“Dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4, chủ yếu phản ánh đánh giá cho rằng chính sách tài khóa của Mỹ trong thời gian tới sẽ không nới lỏng nhiều như đánh giá ban đầu”, báo cáo mới nhất của IMF có đoạn viết.

Hồi tháng 6, IMF tuyên bố đã từ bỏ đánh giá cho rằng kế hoạch cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cho hạ tầng của ông Trump sẽ là một cú huých tăng trưởng đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mới đây, Giám đốc ngân sách của ông Trump là ông Mick Mulvaney, viết trong một bài báo trên tờ Wall Street Journal rằng mục tiêu của chính quyền Trump là “duy trì mức tăng trưởng kinh tế 3%”, đồng thời đặt tên cho chương trình kinh tế của ông Trump là “MAGAnomics”, theo những chữ cái đầu của khẩu hiệu tranh cử “Make America Great Again” (Hãy làm cho nước Mỹ trở lại vĩ đại thêm lần nữa).

Do tác động của tiến trình Brexit, IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Anh năm 2017 còn 1,7%, từ mức 2% đưa ra trong lần dự báo trước.

Trong khi đó, IMF nâng dự báo kinh tế Trung Quốc lên 6,7%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 4. Định chế này dự báo kinh tế Trung Quốc tăng 6,4% trong năm 2018, tăng 0,2 điểm phần trăm so với lần dự báo trước.

IMF cũng tăng dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật lên 1,3% cho năm nay, từ mức 1,2% đưa ra hồi tháng 4. Tuy nhiên, IMF cho rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chỉ tăng 0,6% trong năm 2018, không thay đổi dự báo so với hồi tháng 4.

Theo báo cáo, kinh tế khu vực sử dụng đồng Euro sẽ tăng 1,9% trong năm 2017, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4, và tăng 1,7% trong năm 2018, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với lần dự báo trước.

Canada được IMF dự báo sẽ là nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất trong khối G7 trong năm nay, với mức tăng dự báo là 2,5%, so với mức 1,9% đưa ra trong lần dự báo tháng 4. IMF dự báo kinh tế Canada tăng 1,9% trong năm 2018.

Báo cáo của IMF nói rằng mức định giá cao của các tài sản trên các thị trường tài chính, môi trường chính sách bấp bênh, tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc và các chính sách bảo hộ đang là những rủi ro chính đối với kinh tế toàn cầu.

Bản báo cáo cũng kêu gọi các nền kinh tế phát triển có nhu cầu yếu và mức lạm phát thấp tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng bằng chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp, đồng thời khuyến các ngân hàng trung ương không tăng lãi suất quá nhanh.

Theo Bình Minh

Vneconomy

BÌNH LUẬN