‘Startup của bạn sẽ thất bại nếu sản phẩm không có gì mới. Nhà sáng lập phải biết cách bán sản phẩm của mình hay còn gọi là phải biết… “bán thân”‘, diễn giả Robert hài hước.

“Truyền thông khởi nghiệp là con dao hai lưỡi” Để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, việc đầu tiên là xây dựng vườn ươm Để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, việc đầu tiên là xây dựng vườn ươm

“Báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM cho thấy, trong thời gian vừa qua mặc dù có hơn 10.000 doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng chỉ có 4 dự án đang đi đúng hướng và phát triển; số còn lại không gặp thất bại thì cũng duy trì trong tình trạng khó khăn hay phải thay đổi mô hình kinh doanh để tồn tại”, Robert Trần, CEO – Robenny corporation, cho biết.

Vậy liệu chúng ta đã hiểu đúng về startup và làm thế nào để tăng tỉ lệ thành công khi khởi nghiệp?

“Nhà sáng lập startup phải biết... bán thân” - 1

Hơn 50 startup tới tham dự chương trình “Tại sao các dự án startup Việt Nam thất bại” (Ảnh: Tùng Minh)

Tất cả vấn đề trên đã được chia sẻ và giải đáp bởi CEO Robenny corporation dưới sự chủ trì của anh Nguyễn Tấn Huy 0 Tổng thư ký Hội đồng Doanh nhân Việt Nam, trong chương trình “Tại sao các dự án startup Việt Nam thất bại”.

Chưa đến 2% startup thành công

Muốn xác định vì sao các dự án không trở thành hiện thực, chúng ta cần phải hiểu rõ các khái niệm liên quan đến cụm từ “khởi nghiệp” – anh Robert chia sẻ.

Theo đó, startup là mô hình kinh doanh có thể nhân rộng, ý tưởng phải đặc biệt và có thể giải quyết nhu cầu thiết yếu của khách hàng.

Ngoài ra, nhà sáng lập cũng phải có tầm nhìn rộng, biết cách truyền cảm hứng cho mọi người và đặc biệt là phải biết cách bán sản phẩm của mình.

‘Startup của bạn sẽ thất bại nếu sản phẩm không có gì mới. Nhà sáng lập phải biết cách bán sản phẩm của mình hay còn gọi là phải biết… “bán thân”‘, diễn giả Robert hài hước.

Còn “khởi nghiệp” là mô hình kinh doanh mà người sáng lập muốn tự mình làm chủ chứ không muốn làm công cho ai. Sản phẩm của các doanh nghiệp này không cần mới và họ cũng không cần phải nhân rộng để phát triển, anh cũng nói thêm.

“Nhà sáng lập startup phải biết... bán thân” - 2

Anh Robert Trần đang chia sẻ với các nhà doanh nghiệp (Ảnh: Tùng Minh).

Cuối cùng là “startup trong doanh nghiệp”, mô hình này được dùng để giữ chân nhân tài, cho họ nhiều cơ hội khởi nghiệp thay vì phải nghỉ làm và ra ngoài lập nghiệp. Lợi thế của loại hình này là các startup luôn có một nguồn tài chính dồi dào từ công ty mẹ, ngoài ra họ còn được các chuyên gia trong tập đoàn hướng dẫn và hỗ trợ. Tuy nhiên, ý tưởng của startup còn phải liên quan đến mảng kinh doanh của tập đoàn và người sáng lập không hẳn là chủ của dự án.

Theo thống kê của Robenny corporation về khởi nghiệp trong doanh nghiệp, thì có đến 98% các ý tưởng startup thất bại; trong khi đó tỉ lệ thất bại ở bên ngoài còn cao hơn vì sự thiếu hụt nguồn vốn cũng như sự hỗ trợ của chuyên gia so với bên trong.

Xác định loại sản phẩm để còn làm hay nghỉ

Cũng tại buổi hội thảo, CEO Robert giới thiệu các hình thái của sản phẩm khi khởi nghiệp đến với các startup trẻ. Theo đó, doanh nghiệp cần phải xác định rõ sản phẩm của mình thuộc loại nào để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp.

Theo anh, sản phẩm kinh doanh có thể chia ra làm 4 loại. Thứ nhất là “sản phẩm sáng tạo” – tức là chưa từng có trên thị trường. Đối với loại này, các startup cần phải huy động nguồn vốn lớn và nhanh chóng đưa ra thị trường một cách mạnh mẽ.

Thứ hai là “sản phẩm sao chép”, có sẵn ở nước ngoài, các công ty chỉ cần lấy về và tùy biến theo nhu cầu thị trường trong nước.

Thứ ba là “sản phẩm điều chỉnh/cộng thêm”, được phát triển thêm từ sản phẩm đã xuất hiện trên thị trường và thứ tư là “sản phẩm cũ” – sản phẩm đã có sẵn.

“Nếu sản phẩm của mình không nổi trội và chỉ là sản phẩm cũ, các bạn nên nghĩ đến chuyện từ bỏ kinh doanh”, diễn giả Robert nói.

“Nhà sáng lập startup phải biết... bán thân” - 3

Anh Nguyễn Tấn Huy – Tổng thư ký Hội đồng Doanh nhân Việt Nam trả lời câu hỏi của khán giả (Ảnh: Tùng Minh).

Cùng đưa ra lời khuyên cho các startup, anh Nguyễn Tấn Huy – Tổng thư ký Hội đồng Doanh nhân Việt Nam cho rằng, sau khi xác định được sản phẩm của mình thuộc loại nào rồi thì nên tập trung vào thực hiện.

“Các bạn trẻ có rất nhiều ý tưởng, thậm chí nhiều dự án còn đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi. Nhưng nếu các bạn không hành động để chứng minh cho thị trường thấy tính khả thi của dự án, thì ý tưởng đó chỉ mãi mãi nằm trên giấy mà thôi”, anh Huy nói.

Tại sao các startup thất bại?

Các startup muốn thành công cần phải xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của mình. Bạn phải đặt ra 2 câu hỏi: “Tại sao mình ra đời?”“Tiêu chí của doanh nghiệp là gì?”. Khi đã nắm vững được tiêu chí của mình rồi thì cần phải tìm cách giữ cho bằng được cái tiêu chí ấy, Robert cho biết.

“Khi tôi làm việc với một nhóm startup đang muốn bán sản phẩm của mình là một trò chơi đua xe, tôi có đề xuất thay một số phần của sản phẩm bằng một phần khác và sửa đổi sản phẩm của họ theo ý tôi. Thì nhóm startup trên lại đồng ý quá dễ dàng và vô tình làm mất đi giá trị cốt lõi công ty của họ. Đến lúc này, tôi cũng không muốn hợp tác với họ nữa”, anh nói thêm.

“Nhà sáng lập startup phải biết... bán thân” - 4

Anh Phan Trần Quân – cố vấn kinh doanh của Quaffela đặt câu hỏi cho diễn giả (Ảnh: Tùng Minh)

Để giảm tỉ lệ thất bại khi khởi nghiệp, trước tiên các startup nên tiến hành các cuộc khảo sát nghiên cứu thị trường. Sau đó doanh nghiệp có thể xây dựng sản phẩm mẫu rồi bán thí điểm ra thị trường trước khi đem vào sản xuất hàng loạt.

Ngoài ra các startup cũng nên xác định rõ lưu đồ kinh doanh – tất cả các công đoạn từ sản xuất cho đến khi sản phẩm đến tay người dùng, để tiến hành phân chia công việc hợp lý – vị CEO chia sẻ.

Đồng quan điểm với Robert Trần, anh Huy cũng cho rằng: “Các bạn trẻ khi khởi nghiệp với nhau cần xác định rõ lưu đồ kinh doanh để khi có vấn đề xảy ra còn biết chỗ nào mà giải quyết, tránh tình trạng làm việc không hiệu quả và đổ lỗi cho nhau”.

Tùng Minh

BÌNH LUẬN