Các nhà khoa học Anh đã phát hiện hóa chất aldehyde, trong hầu hết sản phẩm mà con người tiếp xúc hàng ngày có thể gây bệnh ung thư.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge (Anh), việc tiếp xúc quá nhiều với aldehyde trong thời gian dài có thể gây ung thư bằng cách phá vỡ khả năng sửa chữa ADN.

Theo kết quả được công bố trên Cell, tạp chí uy tín chuyên về sinh học của Mỹ, aldehyde phá vỡ cơ chế bảo vệ trong các tế bào khỏe mạnh, làm giảm khả năng tự sửa chữa các tổn thương của ADN sau quá trình phân chia.

Giáo sư Ashok Venkitaraman, tác giả chính của nghiên cứu, giải thích rằng cơ thể có hai bản sao của gen BRCA2. Gen này tạo ra một loại protein giúp sửa chữa các tổn thương của ADN và aldehyde làm giảm khả năng tạo ra protein này trong tế bào cũng như làm suy yếu chúng. Nếu các tổn thương của AND không được sửa chữa nó có thể phát triển thành ung thư và một số bệnh nguy hiểm khác.

Aldehyde có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi trong môi trường sống của chúng ta. Ảnh: Shutterstock/VGstockstudio.

Aldehyde có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi trong môi trường sống của chúng ta. Ảnh: Shutterstock/VGstockstudio.

Giáo sư Venkitaraman nói: “Chúng ta đã biết rằng aldehyde không tốt cho sức khỏe của con người và có liên quan đến bệnh ung thư. Tuy nhiên, đến bây giờ chúng ta mới phát hiện ra rằng cách thức gây ra bệnh ung thư của chất này”.Aldehyde là một hợp chất hóa học có thể tìm thấy trong khói của các đám cháy rừng, khí thải phương tiện giao thông, khói thuốc lá và được ứng dụng rất rộng rãi trong mọi mặt của cuộc sống. Nó được sử dụng trong quá trình sản xuất nhựa plastic, phẩm màu, vật liệu ngành xây dựng (gỗ dán, sơn, thảm,…), mỹ phẩm (nước hoa, dầu gội đầu…), dược phẩm,…

Aldehyde là một chất độc có khả năng gây ung thư, bệnh tim mạch, các bệnh về thần kinh, dị dạng thai nhi,… khi chúng ta nuốt hay hít phải dù với một lượng rất nhỏ.

Các aldehyd thông dụng nhất là fomaldehyd, acetaldehyd, propylaldehyd, butyraldehyd,… Trong đó nổi bật là fomaldehyd, một chất khí không màu, mùi hăng mạnh được sử dụng để sản xuất chất diệt côn trùng, chất tẩy rửa, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng, sơn, ướp xác trong y học,…

Việc tiếp xúc hay hít phải fomaldehyd ở mức độ nhẹ có thể gây ra các kích thích về mắt, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, khó thở… Một số trường hợp nặng có thể gây ra tăng nhịp tim, thở nhanh, giảm thân nhiệt, hôn mê thậm chí dẫn đến tử vong. Tiếp xúc lâu dài với fomaldehyd có thể gây ra ung thư mũi, vòm họng…

 

Theo Khám Phá

BÌNH LUẬN