Sân bay lẫn sân golf đều là những thành tố cần có để phát triển kinh tế. Dĩ nhiên, nếu đặt lên bàn cân, sân bay đương nhiên phải được ưu tiên hơn sân golf. Thực tế, chuyện sân golf gần sân bay không phải là hiếm, thậm chí là nằm sát vách những sân bay bận rộn nhất thế giới. Nổi tiếng nhất phải kể tới sân golf The International nằm cạnh sân bay quốc tế Schiphol ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan, nơi đón hơn 68 triệu lượt hành khách chỉ trong năm 2016. Để vào chơi ở sân golf này cũng không dễ dàng, bởi cần phải có thư mời của các hội viên câu lạc bộ. Hay như ở London của nước Anh, hai sân bay nổi tiếng Heathrow và Gatwick cũng đều nằm gần các sân golf lâu đời, với khoảng 15 phút lái xe từ nhà ga hàng không.
Theo trang leadingcourse.com, nổi tiếng vì chuyên xếp hạng các sân golf trên thế giới thì các golf thủ lại… thích thú với những sân golf gần sân bay. Lý do, đa phần người chơi golf đều là doanh nhân, những người phải di chuyển bằng máy bay thuộc loại nhiều nhất thế giới. Và để giết thời gian trong trường hợp bị hoãn hoặc chờ nối chuyến, các doanh nhân đều thích tranh thủ làm “vài đường cơ bản” cho đỡ nhớ nghề. Hơn nữa, cảm giác vung gậy trong khi đằng xa là chiếc máy bay đang cất hay hạ cánh cũng tạo cảm giác khá thú vị như thú nhận của nhiều doanh nhân.
Thế nên, bất cứ thành phố nào có ý định thúc đẩy kinh tế thì đều phải dành quỹ đất xây sân golf để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, bởi nhu cầu chơi golf của giới này là rất lớn. Chính vì vậy, những ý kiến cho rằng việc xây sân golf là vô bổ, là chưa đầy đủ, nhất là khi gắn nó với tỉ lệ đói nghèo. Chỉ có những xã hội theo thiên hướng cực tả mới nói không với golf, như cái cách mà cố lãnh tụ Venezuela Hugo Chavez đóng cửa toàn bộ sân golf ở nước này.
Dĩ nhiên, nếu hy sinh sân golf để phục vụ những mục đích lớn hơn như mở rộng sân bay, làm đường huyết mạch để phục vụ phát triển kinh tế thì đó là việc nên làm. Nhưng nó cần phải được tính toán hợp lý, với căn cứ khoa học chặt chẽ, tham khảo ý kiến của các chuyên gia chứ không phải những lý do mang tính dân túy kiểu “sân golf chỉ phục vụ cho giới nhà giàu”.
Theo một chuyên gia về golf thì đúng là giới chơi golf ở Việt Nam bao năm nay cũng chịu “hàm oan” vì định kiến nói trên. Nó xuất phát từ những vấn đề mang tính lịch sử và phần nào đó là tư tưởng, trong khi những lợi ích đằng sau sân golf thì ít người đề cập tới. Trong khi đó, nhiều nước láng giềng chẳng hạn như Thái Lan thì lại đang đẩy mạnh việc phát triển du lịch golf như một trong những mũi nhọn thúc đẩy tăng trưởng, như NCĐT đã từng đề cập trước đây.
Song cũng theo chuyên gia nói trên, thực ra, các dự án golf ở Việt Nam cũng chỉ… oan một phần. Lý do là nhiều dự án xây sân golf thường được coi là bức bình phong cho mục đích giữ/chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang dự án bất động sản cao cấp.
Như trường hợp của sân golf cạnh sân bay Tân Sơn Nhất đang được dư luận nhắc đến. Mọi chuyện có lẽ không ầm ĩ đến vậy nếu như bên trong sân golf không có các nhà hàng hay dự án xây biệt thự liền kề, nhất là trong bối cảnh sân bay này đang trở nên quá chật chội. Nếu lấy lại được đất sân golf, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được mở rộng thêm 157ha, có thể tăng công suất, giảm ngập, máy bay đậu được qua đêm, tăng thu ngân sách…
Tuy nhiên, đấy lại là những chủ đề khác và cần những giải pháp khác để giải quyết. Chứ thật ra, golf không có lỗi và sân golf cũng không phải tội đồ gây cản trở sự phát triển của thành phố được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”
Hoài Sa