Trong quán cà phê đặc biệt của Jonathan Ye (33 tuổi) tại Singapore, cà phê, đồ ăn nhẹ, wifi… được hoàn toàn miễn phí, trừ thời gian.
Chương trình dành cho giới trẻ được tổ chức ở Coffeemin Coffeemin – quán cà phê tính tiền theo thời gian độc đáo – không chỉ là địa điểm vui chơi yêu thích của giới trẻ Singapore, mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện hấp dẫn.
Coffeemin (kết hợp giữa “coffee” và “minutes”) là quán cà phê đầu tiên tại Singapore, có thể là toàn châu Á, kinh doanh thời gian, chứ không phải đồ uống.
Quán mở cửa từ 11h sáng tới 10h tối. Khách hàng phải trả số tiền 4,3 USD/giờ, 0,7 USD cho mỗi 10 phút tiếp theo hay 22 USD nếu muốn ngồi cả ngày ở đó, theo Next Shark.
Thua lỗ suốt 14 tháng và phải cạnh tranh với chính các quán “ăn theo”, Coffeemin hiện dần trở thành điểm đến yêu thích của giới trẻ tại đảo quốc sư tử.
Ý tưởng kinh doanh tới bất ngờ
“Trong kỳ nghỉ ở New Zealand, khi đang ngồi xem video tại một quán cà phê, tôi bất ngờ bị nhân viên ở đó xua đuổi. Tôi phải đi nơi khác để xem tiếp, dù quán lúc đó vắng khách”, Jonathan Ye – sáng lập viên của Coffeemin – kể lại với Vulcanpost.
Trải nghiệm này khiến anh nhận ra văn hóa “lê la” quán cà phê tại Singapore – gọi duy nhất thứ đồ uống rồi ngồi rất lâu – gây khó chịu ở nước ngoài.
Người sáng lập ra quán cà phê tính tiền theo thời gian đầu tiên ở Singapore – Jonathan Ye. |
Trong văn hoá phương Tây, trả tiền cho thời gian sử dụng thứ gì đó cũng là một loại dịch vụ. Khi hết giờ, nhân viên cứ thế dọn dẹp nhằm gây áp lực cho khách hàng lựa chọn bỏ tiền để tiếp tục ngồi hay rời đi.
Ở nước Nga hay thủ đô London (Anh), các quán cà phê bán thời gian đã xuất hiện. Chuỗi cửa hàng Ziferblat của Nga (không tính tiền dùng trà bánh, trái cây… hay chơi game, mà chỉ tính tiền thời gian) là nguồn cảm hứng cho sự ra đời của quán cà phê Coffeemin.
“Tôi quyết định đưa mô hình này về Singapore. Mọi người có thể coi nó như ngôi nhà thứ hai, trả tiền cho thời gian được tự do vui chơi ở đó”, Jonathan chia sẻ.
Mô hình quán cà phê tính tiền dựa trên thời gian cũng sẽ khắc phục chuyện khách ngồi “lê la”. Ban đầu, bạn bè và gia đình Jonathan ở Singapore chưa hiểu rõ và không tin nó sẽ được chấp nhận ở đây.
Sau đó, anh thuyết phục thành công 10 người bạn hùn số vốn hơn 180.000 USD. Trong vòng 2 tháng, Coffeemin ra đời.
Tạo không gian như ở nhà
Mọi khâu chuẩn bị đều được Jonathan Ye đảm đương. Mục đích là tạo không gian để khách hàng vừa có thể thưởng thức cà phê, vừa trò chuyện thoải mái cùng bạn bè như ở nhà. Có như vậy, họ mới muốn ở lại lâu hơn.
Anh cho biết: “Khách hàng có thể làm mọi thứ mình thích như chơi game, đọc tạp chí, lướt Internet, xem TV, chơi billiard… trong khi dùng đồ ăn nhẹ, đồ uống”.
Các ghế sofa được đặt trước TV màn hình lớn để khách hàng thư giãn. Quầy ăn uống phục vụ nhiều món ăn nhẹ, đồ uống. Nhưng nếu thích, khách hàng có thể mang đồ ăn từ ngoài vào.
Ông chủ 33 tuổi và nhân viên luôn nhấn mạnh với khách hàng rằng chính họ góp phần vào sự vận hành của ngôi nhà. Điều này giúp khách hàng cảm thấy nơi này thân thuộc và có trách nhiệm giữ gìn mọi thứ.
Khách hàng trả tiền theo số phút/giờ ngồi ở quán. Đồ ăn, uống, trò chơi… được phục vụ miễn phí. |
Đánh bại mọi quán ‘ăn theo’
Sau khi Coffeemin ra mắt, các quán cà phê tính tiền theo thời gian “mọc lên như nấm”. Tuy nhiên, đến năm 2016, chúng đều phải ngừng hoạt động vì không thể cạnh tranh. Trong khi đó, Coffeemin cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
“Chúng tôi thua lỗ trong 14 tháng đầu và không tạo được danh tiếng. Nhưng tình hình dần được cải thiện. Hiện chúng tôi có rất nhiều ‘khách ruột’. Họ thường xuyên giới thiệu bạn bè tới đây”, ông chủ họ Ye tiết lộ.
Bí quyết vượt qua khó khăn của Coffeemin là: Thứ nhất, duy trì mức giá thấp để đối thủ có ít cơ hội cạnh tranh. Thứ hai, nhắc khách hàng về tầm quan trọng của việc “chăm sóc” nơi này như nhà của họ.
Cuối cùng, Jonathan Ye đồng sáng lập trò chơi thực tế Lockdown Singapore (người chơi được đưa vào một căn phòng và bị khóa lại, họ phải trả lời các câu đố để thoát ra ngoài) và cửa hàng trò chơi thực tế ảo V-room.
Anh đặt Coffeemin gần đó để tiết kiệm chi phí thuê không gian, cũng như nhân viên.
Không gian trẻ trung của quán cà phê Coffeemin tọa lạc tại Trung tâm thương mại Clarke Quay, Singapore. |
Không gian đa năng
Không chỉ là địa điểm để thư giãn, Coffeemin còn là nơi được thuê để làm gian bán hàng, tổ chức sự kiện như các cuộc hội thảo trực tuyến, tiệc sinh nhật, lễ cưới và chụp ảnh cho người nổi tiếng hay nhóm nhạc Kpop.
Theo ông chủ Ye, chương trình cosplay của người Nhật Bản được xem như sự kiện thú vị nhất. Hiện nay, Coffeemin có 2 cửa hàng tại Jurong East JCube và Trung tâm thương mại Clarke Quay.
Trong thời gian tới, Jonathan sẽ mở thêm cửa hàng ở khu vực khác, cũng như khởi động chương trình hội viên thân thiết.
“Tương tự như hội viên ở các trung tâm thể thao, ‘Coffeeminions’ của chúng tôi có thể ghé thăm bất kỳ quán cà phê nào trong hệ thống để có những phút giây thật thoải mái”, anh Jonathan nói.
Tính đa năng là một trong những yếu tố giúp Coffeemin tồn tại, trong khi các đối thủ cạnh tranh thất bại. |
Ảnh: Coffeemin, Hervelvetvase