Những món cơm đặc trưng của người Việt Nam đi đến vùng nào cũng phải thử cơm vùng đó, ăn một lần là nhớ mãi, cứ xuýt xoa cái hương vị dân dã ấy, luyến tiếc khó quên!
Chỉ với nguyên liệu quen thuộc là gạo thôi mà người dân ta đã sáng tạo ra được vô vàn những món đặc sản như thế này đây. Cùng nhau điểm qua một vài món cơm trứ danh nhé!
Nhắc đến ẩm thực Sài Gòn, bên cạnh tô phở nóng hổi khói bay nghi ngút, người ta còn nhớ về dĩa cơm tấm đầy sắc màu và hương vị ăn một lần là nhớ mãi. Món ăn này vốn là đặc sản của người dân miền Nam từ xưa, thường được dùng trong bữa sáng. Tuy nhiên vì là món dễ ăn, nơi đâu cũng bán nên có thể dùng ở bất kì bữa nào cũng phù hợp, cho dù ở một nhà hàng sang trọng hay một quán vỉa hè cũng đều phục vụ món cơm truyền thống này.
Điều khiến món cơm tấm trở nên đặc biệt hơn cả là loại gạo được dùng là gạo tấm vỡ, nhỏ hơn và để nấu ngon cũng khó hơn so với loại gạo bình thường được sử dụng. Một dĩa cơm tấm đúng vị sẽ bao gồm sườn, bì, chả, trứng, một ít mỡ hành, kèm theo vài lát cà chua hoặc dưa leo và quan trọng hơn cả là nước mắm được pha rất khéo để đánh thức tất cả các hương vị lên, khiến người ăn cứ phải nhớ mãi mùi vị đặc biệt này.
Một điểm đặc biệt khiến thực khách dễ nhận biết ra quán bán cơm tấm chính là màn khói nghi ngút từ bếp than nướng thịt, mùi thơm tỏa khắp ra cả một con đường ngào ngạt, khó mà cưỡng lại. Những miếng thịt vừa nạc vừa mỡ được ướp thấm đều gia vị, nướng vàng đều hai mặt, được người làm trở liên tục để không bị cháy. Món ăn ngon mà lại chẳng ngấy, mang đầy đủ năng lượng cần thiết cho một ngày làm việc. Ai đi xa cũng nhớ về hương vị gần gũi này, những du khách lúc nào cũng phải thử một lần cho biết món cơm tấm trứ danh đã đưa ẩm thực Việt Nam lên bản đồ Thế giới.
Cơm tấm Ba Ghiền, cơm tấm Bụi Sài Gòn, cơm tấm Thuận Kiều hay cơm tấm Sườn Chéo đều là những cái tên được nhắc đến mỗi khi nhớ về món ăn dân dã này.
Người ta kháo tai nhau rằng ai đến Hội An mà không ăn cơm gà thì xem như chưa đến Hội An. Chẳng nói ngoa khi món ăn ấy đã trở thành một nét đặc trưng riêng biệt của nơi này. Cơm gà Hội An khác với những nơi khác ở cách chế biến thịt gà đúng chuẩn kiểu miền Trung. Tuy nhiên, có nơi chế biến với kiểu truyền thống quen thuộc là gà luộc loại thả vườn thì thịt mới chắc, vị đậm đà. Gà luộc vừa chín tới, để nguội và lọc lấy xương. Có nơi thì chế biến phần thịt được xé nhỏ, trộn đều với hành tây, rau răm và gia vị. Phần gà trộn không hề bị bở hay nát thịt, hương vị thơm dịu và cay nhẹ, ăn kèm đồ chua điểm thêm nét đậm đà khó quên. Phần cơm mang một màu vàng bắt mắt, vì gạo được ngâm với nghệ, có cả vị ngọt rất thanh do được nấu từ nước luộc gà. Có nhiều người vì quá yêu hương vị gần gũi này mà đã gọi hẳn một phần cơm để ăn riêng.
Mỗi dĩa cơm gà lại phảng ánh nét tinh tế, nhỏ nhẹ trong phong cách sống của người miền Trung. Món ăn được bày trong chiếc đĩa nhỏ gọn, phần gà và rau ăn kèm được xếp cẩn thận, không dồn ép quá nhiều, vừa đủ cho một người ăn. Nước chấm ăn kèm là loại tương ớt đặc sệt cay xé lưỡi đúng khẩu vị của người dân địa phương, cũng được dọn ra một cách chỉn chu, gọn ghẽ. Đối với người dân nơi đây, cơm gà đóng vai trò như một món ăn linh hồn, người đi xa thì thấy nhớ, người ở gần luôn cảm thấy thèm, du khách cứ mãi luyến tiếc khi rời đi. Cái tên được nhiều ưu ái nhất mỗi khi nhắc đến cơm gà Hội An, người ta nghĩ ngay đến cơm gà Bà Buội, ngoài ra cơm gà Bà Nga cũng được nhiều người ưa chuộng tìm thử.
Cứ nhắc đến Ninh Bình, người ta lại nhớ về món cơm cháy ngon không nơi nào sánh bằng. Cơm cháy đóng vai trò như một món ăn truyền thống của mỗi gia đình, một thức quà quen thuộc mà bất cứ du khách nào cũng mua về rất nhiều. Vừa tiện lợi, dễ ăn, hương vị lại ngon khó cưỡng, cứ ăn lại chẳng muốn dừng.
Đừng nghĩ rằng cơm cháy nghe thật đơn giản, cách làm chắc cũng không quá khó. Thật ra để làm ra được một mẻ cơm cháy ngon đúng chuẩn phải chọn gạo rất cầu kỳ, thường là gạo tẻ, pha thêm gạo nếp hương hoặc tám thơm. Nồi dùng để nấu là nồi gang dày. Khi cơm chín thì lấy ra, để lại phần dính ở đáy và tiếp tục nấu, giai đoạn này gọi là tạo xém, kéo dài khoảng vài chục phút. Cần phải xoay nồi đều tay để độ nóng được trải đều, lớp cơm cháy mỏng sẽ được hình thành từng mảng rồi trong ra khỏi thành nồi. Sau đó người ta lấy ra phơi hoặc sấy khô, bảo quản kỹ trong túi nilon và dùng dần, khi ăn thì đem ra chiên thật giòn.
Cơm cháy có màu vàng bắt mắt, đều hạt, giòn giòn lại dẻo dẻo, ăn kèm với chà bông hoặc các loại nước sốt như nước mắm mỡ hành dậy mùi và đặc biệt nước sốt thịt dê ở Ninh Bình là nổi tiếng hơn cả. Thịt dê ít béo, ăn kèm với cơm cháy mà không ngấy, kết hợp hoàn hảo với nhau. Nước sốt ăn kèm thường có vị cay, mặn mặn ngọt ngọt rất đậm đà, đặc sệt đủ để ngấm vào từng miếng cơm cháy. Cơm cháy được chủ yếu dùng như một món ăn vặt vui miệng nhưng cũng rất mau no và một khi đã ăn là nhất định sẽ ghiền.
Từ những ngày xa xưa, ông bà ta đã luôn tin rằng hương vị mộc mạc, thơm ngon nhất sẽ được toát ra từ chiếc nồi đất cũ cha truyền con nối, chính vì vậy mà đã có rất nhiều món ăn được nấu bằng nồi niêu đã trở thành đặc sản nổi tiếng, một trong số đó chính là món cơm niêu thân thuộc. Cái niêu đất màu nâu sẫm, đáy nồi bị ám đen từ than, luôn có một đôi đũa cả gác bên cạnh.
Để món cơm được ngon, gạo nhất định phải là loại gạo tốt, đáy nồi niêu không bị lệch. Lửa phải luôn được giữ ở mức vừa phải, khi cơm sôi thì liên tục xới bằng đũa tre cho hạt cơ thật tơi xốp, không bị dính. Khi cơm đã cạn nước, vùi thêm than và duy trì lửa nhỏ một lúc để đảm bảo độ chín và dẻo của hạt cơm. Nấu cơm niêu cũng là một nghệ thuật mà người nghệ sĩ phải thật khéo léo, tỉ mỉ vào từng bước một, chẳng dễ dàng như nấu bằng nồi cơm điện hiện đại, không phải nấu một lần là ngon được ngay. Nấu cơm niêu thực chất còn đòi hỏi một độ kiên nhẫn nhất định để có thể điều chỉnh ngọn lửa và xới cơm liền tay, đợi cũng khá lâu mới hoàn thành được món cơm này.
Kiểu cơm niêu đập luôn thu hút mọi thực khách, kể cả người dân bản xứ cũng như khách tham quan. Đúng như cái tên, trước khi ăn người phục vụ sẽ gõ nhẹ chiếc búa vào niêu khiến nồi đất vỡ vụn. Phần cơm bên trong cùng lớp cháy giòn mỏng ở ngoài rìa, khói bốc nghi ngút, hương vị rất ngọt, rất thanh đạm mà ai cũng sẽ bị quyến rũ. Cơm niêu thường cũng ăn kèm với các món ăn dân dã quen thuộc như cá kho tộ, canh cua mồng tơi,… đúng vị của một bữa cơm gia đình truyền thống của người Việt Nam.
Cơm lam là đặc sản nổi tiếng của người dân tộc thiểu số vùng núi như Thái, Dao, Nùng, Tày,…Tuy nhiên cái chữ ‘lam’ là cách nói của đồng bào Thái, nghe thật lạ nhưng cũng rất thân quen, có nghĩa là ‘nướng’ trong tiếng Kinh. Chính vì vậy có thể hiểu theo một cách đơn giản là cơm nướng. Món cơm này bắt nguồn từ hoàn cảnh cuộc sống không đủ đầy nên người dân tìm cách để nấu cơm bằng những nguyên vật liệu mình sẵn có.
Thế nhưng món ăn cũng không hề đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ. Đồ đựng phải là ống tre hoặc ống nứa thon dài không quá to cũng không quá nhỏ, cây phải còn non, tươi xanh để khi nấu cơm không bị lửa bén vào gạo, khi đó chất nhựa trong vỏ sẽ ngấm sâu vào cơm, khiến món cơm thêm vị ngọt mộc mạc, tự nhiên. Gạo phải là gạo nương, hoặc gạo cẩm, gạo nếp cái hoa vàng được ngâm, vo sạch và nêm thêm ít muối, nước gừng trộn đều rồi đổ vào ống đã có sẵn nước. Không được nén quá chặt mà phải để cách miệng ống chừng 5 cm để có chỗ cho gạo nở đủ. Khi cơm chín, chỉ cần bóc vỏ nứa là có cơm ngon ăn, chấm thêm ít muối vừng cho đậm đà, chẳng phải cao lương mĩ vị gì nhưng cũng khiến bao nhiêu người nhớ thương món ăn đậm tình người này.
Cơm lam mang vị bùi bùi, dẻo ngọt của cơm, vị cay thoang thoảng từ gừng, thêm hương thơm từ ống dứa và cả mùi khói bếp nồng nàn làm sao. Món cơm có thể ăn ngay hoặc để cả tuần cũng không bị thiu mốc. Dù ngày xưa hay ngày nay, có thiếu thốn hay đã đủ đầy thì người ta vẫn gìn giữ món cơm lam như một nét đẹp văn hóa đặc trưng của người dân miền núi mà thực khách nào cũng say mê, lưu luyến.
Ẩm thực Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng với nhiều loại cơm khác nhau, mỗi loại lại mang một vẻ đẹp, một hương vị đặc trưng riêng biệt không thể xen lẫn vào đâu được. Dù là người dân bản xứ hay là khách nước ngoài cũng đều bị hút hồn bởi những món ăn bình dị mà hết mực thơm ngon thế này.
Quỳnh Anh / Seongdoo