Hiện tỷ giá VND/USD trong nước đang chịu nhiều áp lực, nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất USD lần thứ 3 thêm 0,25 điểm % và dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất USD trong năm nay.
Giao dịch tại một chi nhánh Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM Ảnh: Huy Anh
Trong bối cảnh lãi suất USD cũng như USD thế giới tăng giá, lãi suất USD trong nước áp dụng ở mức 0% có thể sẽ gây ra tình trạng “chảy máu” ngoại tệ. Nhiều ý kiến cho rằng, để thu hút được nguồn ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, phục vụ phát triển kinh tế, phải tăng lãi suất tiền gửi với USD.
Không còn phù hợp thị trường
Năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, với sự biến động mạnh trên thị trường tài chính quốc tế như sau sự kiện Brexit, bầu cử Tổng thống Mỹ và các chính sách mới của Tổng thống Donald Trump, FED tăng lãi suất…, cùng với tình hình tài chính trong nước diễn biến cung – cầu ngoại tệ kém thuận lợi, nhập siêu lớn, xu hướng USD tăng giá trên thị trường quốc tế kéo theo các yếu tố đầu cơ, khiến việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với việc NHNN chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, có kết hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, trong đó việc áp dụng lãi suất huy động USD về 0%, tỷ giá VND/USD chỉ tăng bình quân khoảng 1,1% – 1,2%. Thị trường ngoại hối trong nước ổn định hơn nhiều so với mức độ biến động khá lớn của thị trường ở nhiều nước trên thế giới. NHNN cũng đã mua được lượng lớn ngoại tệ, đưa dự trữ ngoại hối chính thức đạt mức cao nhất từ trước đến nay và đạt được mục tiêu bước đầu trong việc chống đô la hóa.
Hiện lãi suất cơ bản USD được Mỹ áp dụng ở mức 1% – 1,25%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động USD được NHNN áp dụng ở mức 0%/năm từ hơn 1 năm nay khiến nhiều chuyên gia trong nước cho rằng không còn phù hợp với xu hướng của thị trường quốc tế, không bảo đảm cho việc thu hút ngoại tệ vào phục vụ nền kinh tế. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, hiện chính sách này đã bộc lộ những mặt trái, không còn phù hợp với thị trường. Trong đó, điều lo ngại nhất là tình trạng “chảy máu” ngoại tệ và kiều hối suy giảm.
Lãnh đạo khối phân tích thị trường của Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, việc duy trì lãi suất USD 0% để giảm đô la hóa, tăng nguồn cung USD, giúp bình ổn tỷ giá là chủ trương rất đúng đắn của NHNN, nhưng bất kỳ một chính sách nào cũng có hai mặt. Khi lãi suất của FED thấp thì chính sách lãi suất 0% không bộc lộ những mặt hạn chế, nhưng việc FED tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ nới rộng mức chênh lệch lãi suất và kỳ vọng chênh lệch lãi suất rất nhanh.
Điều này làm giảm nhu cầu chuyển tiền USD hoặc cất giữ tiền USD ở Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng kiều hối về Việt Nam thời gian qua giảm mạnh. Thống kê từ NHNN chi nhánh TPHCM cho thấy, lượng kiều hối về TPHCM trong năm 2016 thấp hơn so với năm trước khoảng 500 triệu USD. Trong đó, kiều hối tại thị trường Mỹ (chiếm 60% lượng kiều hối về Việt Nam – PV) giảm khá mạnh. Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại có Công ty Kiều hối tại TPHCM, cơ hội kinh doanh kiều hối hơn một năm qua không đạt như kỳ vọng. Vị này cho biết, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân không nhỏ từ việc lãi suất USD tại Việt Nam ở mức 0%, và cơ chế tỷ giá trung tâm khiến tỷ giá VND/USD biến động hàng ngày theo thị trường, nên cơ hội khai thác chênh lệch lãi suất đồng USD giữa thị trường trong nước và nước ngoài mất đi, giảm lượng kiều hối về Việt Nam. Trong khi đó, một lượng ngoại tệ không nhỏ chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài lại có sự gia tăng trong thời gian qua.
Cần tăng 0,25% – 0,5%
Cùng với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn vay ưu đãi (ODA), nguồn kiều hối cũng là một kênh cung cấp ngoại tệ lớn cho phát triển kinh tế – xã hội, tác động trực tiếp đến thị trường ngoại hối, chính sách tiền tệ và ảnh hưởng một phần đến chiến lược phát triển lâu dài của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam. Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN cần điều hành lãi suất phù hợp vì việc chênh lệch lãi suất ngoại tệ ở Việt Nam so với nước ngoài cũng như việc chênh lệch lãi suất giữa ngoại tệ và VND ở Việt Nam cũng là nhân tố thu hút nguồn ngoại tệ đổ về Việt Nam.
Dù mức lãi suất USD không còn hấp dẫn người gửi, song huy động ngoại tệ tại các ngân hàng vẫn ở mức trên dưới 10% cơ cấu tiền gửi của hệ thống ngân hàng. Điều này cho thấy nhu cầu tích trữ, găm giữ ngoại tệ trong dân vẫn còn. Đó là chưa kể thời gian qua, trước sự biến động của tỷ giá, không ít người dân đã rút tiết kiệm tại ngân hàng hoặc mua USD về cất tại nhà vì gửi ngân hàng không có lãi suất.
Tại phiên họp Chính phủ trong tháng 5-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã một lần nữa giao cho NHNN xem xét, nghiên cứu việc huy động phù hợp nguồn vốn vàng, ngoại tệ trong dân vào phục vụ phát triển kinh tế. Làm thế nào để huy động ngoại tệ, vàng trong dân để đưa nguồn lực này vào sản xuất kinh doanh là một bài toán khó và cần thời gian. Tuy nhiên, không ít các chuyên gia cho rằng, trước mắt để huy động nguồn lực ngoại tệ vào phát triển kinh tế là nâng lãi suất huy động USD và cho vay USD trở lại. Việc nâng lãi suất USD sẽ tạo động lực kéo nguồn ngoại tệ nhàn rỗi trong dân trở lại hệ thống ngân hàng, tránh tình trạng đem ngoại tệ gửi ở nước ngoài. Ngoài ra, việc nâng lãi suất tiền gửi với USD lên khỏi mức 0%/năm sẽ giúp nguồn cung USD dồi dào hơn, từ đó giảm áp lực cho tỷ giá. Khi nguồn cung ngoại tệ dồi dào, ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay ngoại tệ, từ đó lãi suất VND cũng sẽ được kéo xuống theo vì thị trường có thêm thêm kênh cho vay USD.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trường Đại học Tài chính, cho rằng NHNN nên điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD theo lộ trình 0,25% – 0,5%/năm nhằm đảm bảo sự linh hoạt cho tỷ giá, vì cốt lõi của thị trường ngoại tệ Việt Nam không hẳn là lãi suất USD. Nếu FED tăng lãi suất lên 1,5% – 2%/năm trong thời gian tới, tỷ giá ngoại tệ của các nước có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam cũng sẽ biến động theo, nên tỷ giá VND/USD cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình lạm phát, kim ngạch xuất nhập khẩu, nợ công…
Thị trường chứng khoán, vàng và tỷ giá trong nước ngày 15-6 không có biến động nhiều, chỉ giảm nhẹ. Cụ thể, VN-Index giảm nhẹ 0,2 điểm so với phiên liền trước, vẫn trụ ở mức 760,57 điểm. Vàng SJC trong nước ngày 15-6 tiếp tục giảm thêm 30.000 đồng/lượng, giao dịch xoay quanh mốc 36,23 triệu đồng/lượng mua vào và 36,43 triệu đồng/lượng bán ra. Tỷ giá VND/USD được các ngân hàng niêm yết giảm từ 5 – 10 đồng/USD, giao dịch phổ biến ở mức 22.655 đồng/USD mua vào và 22.725 đồng/USD bán ra.