Lưỡi heo sốt pate là món ăn gia truyền trong ngôi biệt thử cổ hơn 60 tuổi ở Sài Gòn. Xung quanh món ăn hấp dẫn này là cả một câu chuyện thú vị.
Xuất phát từ niềm yêu thích đặc biệt với Pate – một món ăn tương đối lạ vị với người Sài Gòn xưa, chủ ngôi biệt thự cũng là chủ quán Mây Bốn Phương đã thử tay nghề nhiều lần để cho ra đời món Lưỡi heo sốt Pate hơn 30 về trước.
Cầu toàn Hương và Vị
Khoảng đầu những năm 1990, pate và bánh mì bắt đầu được đưa vào phục vụ tại quán nhưng vị lạ, không được nhiều khách yêu thích. Sau đó là câu chuyện tình cờ phát hiện ra sự kết hợp đặc biệt giữa lưỡi heo và pate.
“Tôi dự định mua lưỡi heo về để chế biến một món ăn khác nhưng thiếu nguyên liệu, sẵn có pate nên nấu thử theo kiểu được ăn cả ngã về không. Và quả thực tôi đã thất bại về Vị nhưng Hương thì hoàn hảo. Ngay lúc đó, tự tâm tôi đã quyết tâm tìm đúng vị cho món ăn. Thử qua nhiều loại pate khác nhau cũng đã thành công với Lưỡi heo sốt pate”. Chủ quán ăn cho biết.
Bí quyết tìm ra là: Khâu chọn lưỡi heo Lưỡi heo phải chọn cái tươi ngon, phần lưỡi dày và tròn, màu sáng, phần tiếp giáp với cuống họng trắng đều không bị đọng huyết. Sau khi mua về, rửa sơ qua cho sạch, đun một nồi nước đến khi sôi lăn tăn thì thả lưỡi vào luộc sơ chừng 5 phút thì tắt bếp. Vớt lưỡi heo vừa chần sơ qua và xả ngay dưới vòi nước lạnh để cho lưỡi có độ giòn khi ăn. Sau đó, dùng dao cạo thật sạch lớp màng trắng bám trên lưỡi giảm bớt mùi hôi khi thưởng thức.
Pate được làm thủ công và giữ đông lạnh cho tới khi nấu ăn mới bắt đầu rã đông. Nấu lưỡi heo, pate cùng với hành củ, cà rốt, một số gia vị khác… để có được thành phẩm cuối cùng là món Lưỡi heo sốt pate giòn ngon béo ngậy.
Phần patê hòa quyện nước dùng tạo nên một hỗn hợp sánh đặc. Xé một mẫu bánh mì nóng giòn chấm vào nước sốt patê, nhâm nhi liền một lát lưỡi heo, bánh mì thấm nước sốt và cảm nhận sự hài hòa trong từng cung bậc cảm giác.
Thưởng thức Lưỡi heo sốt pate trong biệt thự cổ 60 tuổi
Phải nói rằng đó là một cảm giác đặc biệt. Đó không phải là ăn tại một nhà hàng sang trọng cũng chẳng phải quán ăn bình dân mà là đang ăn trong chính căn nhà nhỏ của gia đình. Điều đặc biệt mà Mây Bốn Phương đem lại cho khách quen chính là cảm giác thân thuộc như ăn cơm nhà làm.
Chia sẻ thêm về lịch sử của ngôi biệt thự, chị Vy, cháu nội, người thừa kế đời thứ 3 cho biết: “Hơn 60 năm về trước, tính ra cũng hơn 60 năm, ông nội là người đã lên ý tưởng thiết và xây dựng cho căn biệt thự. Ông là kiến trúc sư nên đã tự mình tìm kiếm những người thợ giỏi khắp nơi về để dây nên ngôi biệt thự tuy nhìn bè ngoài giản đơn nhưng lại có nét sang trọng của kiến trúc Pháp”.
Chị Vy nhấn mạnh ông nội vốn là người kỹ tính, nên phần lớn các nguyên liệu để xây tường, lát nền, lợp mái đều do những do chính tay ông lựa chọn. Tới tận bây giờ, tường đá mát lạnh và thứ gạch men xưa cũ vẫn chưa từng một lần bị rêu phong làm giảm đi vẻ đẹp vốn có. Tường gạch xây dầy dặn và có lỗ thông hơi hợp lý nên trong các phòng luôn mát về mùa hè, ấm về mùa mưa.
Cho đến nay, toàn bộ những thứ thuộc về ngôi biệt thự cổ, từ kết cấu tổng quan cho đến tiểu tiết trang trí đều được lưu giữ cẩn thận nhờ vào sự chu toàn của 3 thế hệ. Và, ngôi biệt thự được biết đến nhiều hơn từ một quán ăn nhỏ mà thế hệ thứ 2 nơi đây mở ra quán ăn gia đình có tên Mây Bốn Phương.
Tên quán được đặt từ một người chú làm phi công, với ý nghĩa tượng trưng như mây khắp bốn phương trời vì lái máy bay nên xung quanh chỉ là mây thôi . Thời ấy, cũng chính chú và vợ là người đã đưa ý tưởng để tạo nên những món ăn độc đáo như Gỏi cá hay góp ý cho món Lưỡi heo sốt pate. Ban đầu từ những người quen, rồi miệng truyền miệng nên mọi người biết đến nhiều hơn từ gia đình, bạn bè, khách bình dân, khách sang, kể cả nghệ sĩ-ca sĩ-diễn viên nổi tiếng thời ấy cũng có ghé và là khách quen cho tới bây giờ.
Theo khampha.vn