Chỉ từ những chiếc lốp xe ô tô, xe máy bỏ đi, một cặp vợ chồng người Philippines đã tận dụng để sản xuất những chiếc túi xách vừa thời trang lại vừa chống nước.
Năm 2010, startup có tên Siklo Pilipinas của Philippines bắt tay vào chế tạo túi xách sử dụng một loại vật liệu mới không ai ngờ tới: lốp cao su cũ. Thay vì để những chiếc lốp ô tô, xe máy chất đống ở bãi rác và trở thành nơi trú ngụ cho muỗi, Siklo Pilipinas đã cho chúng một “cuộc đời” mới.
“Chúng tôi thường thực hiện nhiều cuộc phiêu lưu gắn liền với sông, biển vì vậy cần một loại túi xách để bảo vệ đồ đạc khỏi ngấm nước. Chồng tôi đã nghĩ đến những chiếc lốp xe nằm gần nhà chúng tôi. Bạn biết đấy, chất liệu cao su thường bền và có thể bảo vệ đồ đạc khỏi các cú rơi, va chạm”, Clarice Ecuacion, đồng sáng lập Siklo Pilipinas cho biết.
Kể từ khi có ý tưởng, Lyndon Ecuacion, nhà thiết kế sản phẩm, chồng của Clarice, bắt đầu nghiên cứu khả năng ứng dụng của lốp cao su và thử nghiệm với những san phẩm như thắt lưng, ví, móc chìa khóa, túi đeo trên xe đạp…
“Vì không có số liệu nào cho thấy tỷ lệ phân hủy của lốp cao su là bao nhiêu, chúng tôi tin các sản phẩm từ lốp xe có thể tồn tại vượt xa tuổi thọ của con người. Điều này làm chúng tôi cảm thấy càng thêm thú vị”, Clarice nói.
Khó khăn trong quá trình tái sản xuất
Để có đủ nguyên liệu sản xuất, cặp đôi đã tìm đến các cửa hàng bán xe đạp, cửa hàng bán lốp xe hoặc thậm chí các bãi phế liệu trong khu vực Metro Manila và Laguna. Thay vì để công nhân vệ sinh thu dọn và mang tới bãi rác, Clarice và Ecuacion thuyết phục các chủ cửa hàng liên hệ với họ khi có nhiều lốp xe cần mang đi và cặp đôi sẽ trả tiền để mua lại.
Theo Ecuacion, sau khi thu nhặt lốp xe, họ sẽ tiến hành gia công và tái sử dụng.
“Quá trình này khác hoàn toàn với tái chế. Nếu tái sử dụng sản sinh ra lượng carbon thấp và cần nhiều sức người trong quá trình chế tác thì tái chế tạo ra nhiều khí carbon hơn vì có sự tham gia của máy móc và tiêu tốn nhiều năng lượng”.
“Quá trình tái sử dụng gần như không biến đổi vật liệu trong khi đó quá trình tái chế sẽ thay đổi vật liệu hoàn toàn”, Ecuacion giải thích.
Trong quá trình sản xuất, cặp đôi cũng nhận ra không phải loại tất cả các loại lốp xe đều có thể tái sử dụng và tỷ lệ thành công của mỗi loại lốp cũng khác nhau, “đó là lý do các sản phẩm tái chế khá nhiều chứ sản phẩm tái sử dụng còn rất hạn chế”.
Mỗi sản phẩm do Siklo Pilipinas sản xuất sẽ được bán với giá từ 30 đến 80 USD. Các dòng sản phẩm chính bao gồm balo, túi đựng quần áo, túi đeo trên vai, túi đeo chéo và một số loại ví cầm tay.
Với một đội ngũ chỉ khoảng 6 người, Siklo Pilipinas đã truyền cảm hứng cho nhiều khách hàng không chỉ ở Philippines mà còn ở những quốc gia khác trên thế giới.
“Mặc dù các quốc gia khác cũng có những sản phẩm tái sử dụng từ lốp xe giống chúng tôi nhưng một số khách hàng vẫn dành cho chúng tôi những lời khen có cánh như: ‘Tôi thấy túi xách tương tự ở Thái Lan nhưng tôi cho rằng túi của các bạn tốt hơn’, ‘tôi mang túi xách của bạn sang Việt Nam và một người ban của tôi đã rất hứng thú khi nhìn thấy nó, ‘Tôi muốn hợp tác để bán túi của Siklo Pilipinas ở California vì tôi không có sản phẩm nào tốt hơn nữa’,” Ecuacion nói.
Hiện tại một số khách hàng cũng đề nghị được đặt thương hiệu của họ lên sản phẩm của Siklo Pilipinas, nhằm mục tiêu tiếp cận thị trường địa phương dễ dàng hơn nhưng Clarice và Ecuacion đều từ chối.
“Bản thân các sản phẩm của chúng tôi đã tự truyền tải được thông điệp rồi”, Clarice kết luận.
Theo Trí Thức Trẻ