Tham vọng đem chuông đi đánh xứ người vốn được vị thuyền trưởng của VNG ấp ủ từ lâu. Về các tiêu chuẩn về định lượng, VNG có thể dễ dàng đạt được nhưng khả năng đáp ứng các yêu cầu công bố thông tin, quản trị công ty còn là một dấu hỏi bỏ ngỏ.

VNG không phải Vinagame

Khởi điểm là một doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực game online khi thị trường này còn rất sơ khai cùng với tên gọi Vinagame thưở đầu, hình ảnh của CTCP VNG gắn mác trong suy nghĩ nhiều người là một doanh nghiệp phát triển trò chơi trực tuyến (game online).

Quả thật, dành ra 7 năm đầu tư, từ một doanh nghiệp nhập khẩu game (Võ Lâm Truyền kỳ năm 2005), VNG lần đầu tiên tự sản xuất game vào tháng 3/2010. Tới năm 2015, VNG cho biết sản phẩm trò chơi trực tuyến của hãng này đã phục vụ tới 11 triệu người/tháng, tại hơn 200 quốc gia mà không riêng Việt Nam.

Tuy nhiên, không chỉ có game online ngay từ năm 2008, VNG đã đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh mạng với Zing MP3, Zing Chat, Zing News,… Zing Me, mạng xã hội hỗ trợ cộng đồng game, được VNG đưa vào hoạt động năm 2009. Cũng chính năm 2009, Vinagame đổi tên thành VNG. Một ứng dụng được coi là thành công khác của VNG là Zalo với tính năng nhắn tin và gọi điện miễn phí trên nền tảng di động, đã được đưa vào hoạt động đầu năm 2013, cán mốc 20 triệu người dùng chỉ sau chưa đầy 2 năm.

Bám theo những lĩnh vực hoạt động trên nền tảng Internet, thương mại điện tử cũng sớm được VNG lấn sân với website đầu tiên là 123Mua.vn ra mắt năm 2006, sau đó trang thương mại điện tử 123.vn theo mô hình B2C và mới đây là việc đầu tư vào website thương mại điện tử Tiki.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công như Zing.vn hay Zalo với 50 triệu lượt tải về tính đến thời điểm hiện tại, không phải bước lấn sân nào của VNG cũng mang về “trái ngọt”.

Điển hình như Zinglive, tiểu blog Zini vốn được kỳ vọng như mạng xã hội có thể cạnh tranh với với Twitter, Facebook,…; 123phim.vn kinh doanh thua lỗ hay chính website thương mại điện tử đầu tiên của VNG là 123mua.vn đã nhượng lại cho cho Sen Đỏ – thành viên của Tập đoàn FPT với cái giá “rẻ như cho”. VNG cũng thừa nhận đã rút ra nhiều bài học “xương máu” khi phát triển kinh doanh một cách dàn trải.

Mới đây, VNG đang khởi nghiệp trở lại trong một lĩnh vực hoàn toàn mới với thị trường hiện cũng còn rất sơ khai, đó là IoT. Cách đây một năm, VNG đã trình và xin ý kiến cổ đông để bổ sung thêm các ngành nghề như sản xuất linh kiện điện tử, đồ điện dân dụng,… để phục vụ cho sự phát triển của phòng IoT (Internet of Things). Khi đó, khái niệm về Internet kết nối vạn vật xuất hiện còn khá hiếm hoi, chủ yếu trong các diễn đàn chuyên ngành. Còn bây giờ, khái niệm này đã trở nên phổ biến hơn rất nhiều và được coi là một trong các yếu tố làm nên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu hiện tại trong công nghệ sản xuất.

Từ start-up của 5 chàng lính ngự lâm …

Trải qua 13 năm, cơ cấu cổ đông của VNG cũng đã có nhiều thay đổi. Ban đầu, VNG là một doanh nghiệp 100% vốn vốn Việt Nam do ông Lê Hồng Minh sở hữu 58% vốn, ông Cao Toàn Mỹ và ông Trịnh Bảo sở hữu mỗi người 17% vốn còn ông Nguyễn Thanh Bình sở hữu 8% vốn. Nhưng đến nay, tỷ lệ sở hữu nước ngoài cập nhật mới nhất theo Cơ sở dữ liệu Quốc gia hiện đã tăng lên 44,67%. Một số nhà đầu tư nước ngoài của VNG được Bloomberg chỉ ra gồm Goldman Sachs Group Inc và GIC Pte.

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 cũng cho thấy Tencent Holdings Ltd là cổ đông lớn của doanh nghiệp này. Còn vị thuyền trưởng của công ty, ông Lê Hồng Minh, từng sở hữu 58% vốn công ty ngày đầu thành lập nhưng hiện đã giảm xuống 17,54%.

VNG từng là kẻ tiên phong dấn thân vào nhiều lĩnh vực mới, thành có nhưng bại cũng không phải chưa từng.

Hệ thống công ty con của VNG tới năm 2016 đã có 13 công ty, hoạt động đa dạng lĩnh vực, trong đó CTCP Trung tâm Dữ liệu VNG chuyên cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin được thành lập mới năm 2016. Ngoài ra, VNG đầu tư 400 tỷ đồng vào các công ty khác gồm công ty phát triển phần mềm Hồng Kông – ABA (sở hữu 50% vốn), công ty kinh doanh thẻ trò chơi – Thanh Sơn (sở hữu 49% vốn), FPT Online (dưới 5% vốn) và web site thương mại điện tử – Tiki (sở hữu 38% vốn). Khoản đầu tư vào Tiki mới được VNG thực hiện năm 2016, hiện tại vẫn chưa thu lãi.

Thời VNG khởi nghiệp, máy tính và điện thoại di động vẫn còn là những mặt hàng xa xỉ. Trong khi hiện nay, hiếm có gia đình nào không có 1 -2 máy tính/laptop riêng hay hiếm có cá nhân nào lại không sở hữu một điện thoại. Lượng người dùng bùng nổ, nhu cầu của người dùng trên mạng internet đa dạng là điều dễ thấy trong trong thập kỷ qua. VNG với sản phẩm cung ứng là các dịch vụ trên internet nhờ đó cũng “ăn nên làm ra”. Biên lợi nhuận các năm đều vượt trên 50%. EPS năm 2011 lên tới hơn 30.000 đồng/cp. Thu nhập thuần của VNG cuối năm 2016 đạt 3.023 tỷ đồng, tương đương 133,3 triệu USD.


Kết quả kinh doanh của VNG 7 năm qua – Đơn vị; Tỷ đồng

Số liệu thống kê từ năm 2010 cho thấy có tới 5/7 năm VNG kinh doanh thu lãi vượt vốn điều lệ. Lợi nhuận lại liên tục tích lũy vào nguồn vốn của công ty. Ít nhất từ năm 2011 tới nay, VNG không trả cổ tức cho cổ đông, ngay cả trong năm 2012, khi lợi nhuận của công ty đạt hơn 1.000 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần vốn điều lệ.

Cuối năm 2016, tổng nguồn vốn của VNG đạt hơn 3.500 tỷ đồng, chủ yếu dựa vào vốn tự có, hoàn toàn không vay nợ ngân hàng. Quy mô vốn chủ sở hữu đạt 2.881 tỷ đồng, tương đương 127 triệu USD.

Thực ra vốn tự có của VNG sẽ lớn hơn nữa nếu doanh nghiệp này không chi cả nghìn tỷ đồng để mua lại… cổ phiếu quỹ. Đến cuối năm 2016, VNG có hơn 6,4 triệu cổ phiếu quỹ với trị giá 1.654 tỷ đồng và đang tính mua thêm 1,1 triệu cổ phiếu để tăng sở hữu cổ phiếu của chính công ty mình lên 7,5 triệu cổ phiếu, tương đương … 23% vốn điều lệ. Cách xử lý phần cổ phiếu quỹ này ra sao trước đó đã được HĐQT xin cổ đông ủy quyền quyết định: có thể hủy để giảm vốn điều lệ hay bán ra thị trường,…

Vốn điều lệ của VNG tăng lên 330 tỷ đồng từ mức vỏn vẹn 15 tỷ đồng vào năm 2004, gấp 22 lần trong vòng 13 năm. Đáng chú ý, VNG đã lên kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP với dự kiến có tổng cộng hơn 5,8 triệu cổ phiếu bán cho CBCNV từ năm 2012 đến 2020 với giá 10-20.000 đồng/cp. Mức giá này thấp hơn nhiều so với giá trị cổ phiếu do chính công ty tự định giá thông qua các lần mua cổ phiếu quỹ, bình quân 258.280 đồng/cp, tương đương 11,39 USD/cổ phiếu. Tính theo mức giá này, VNG có vốn hóa thị trường xấp xỉ 377 triệu USD.

>>Lợi nhuận để lại gấp 10 lần vốn điều lệ, VNG lại “vung” tiền mua 1,1 triệu cổ phiếu quỹ

Thay đổi vốn điều lệ tại VNG trong 7 năm qua

Dù tăng trưởng nhanh nhưng với chỉ vỏn vẹn hơn 33 triệu cổ phiếu, tương đương 330,9 tỷ đồng, vốn điều lệ của VNG cũng giống như chiếc “áo chật” so với tổng tài sản 3.500 tỷ “lớn nhanh như thổi” của doanh nghiệp này. Tổng tài sản hợp nhất của VNG đã tăng gần 800 tỷ đồng trong một năm qua.

Lượng tiền tại VNG khá “rủng rỉnh” với khoảng 1.474 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi đến cuối năm 2016.

tới đế chế tỷ đô tham vọng “đá” sân Mỹ

Mới đây, VNG đã gây bất ngờ với giới đầu tư khi ký kết Bản Ghi nhớ với NASDAQ về việc dự kiến niêm yết cổ phiếu của VNG trên sàn chứng khoán lớn thứ hai thế giới này.

Bất ngờ với giới đầu tư, còn trong giới công nghệ, điều này đã được Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Lê Hồng Minh chia sẻ kế hoạch này trong một bài phỏng vấn với TechInAsia hồi năm 2013.

Việc một doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên sàn ngoại không phải điều chưa có tiền lệ. Cũng chính tại sàn NASDAG, Cavico đã được niêm yết dù phải thông qua hình thức niêm yết cửa sau, tức sáp nhập với một doanh nghiệp đã niêm yết sẵn. Tuy nhiên, một kết cục đáng buồn với Cavico là chỉ sau 2 năm, công ty này đã phải rời sàn bởi lý do… vi phạm công bố thông tin. NASDAG từ chối gia hạn nộp báo cáo tài chính năm 2010 của Cavico và lệnh hủy niêm yết được áp dụng ngày 6/7/2011.

Sàn NASDAG được chia ra 3 sàn có cấp độ khác nhau theo thứ tự từ thấp đến cao và mức độ nghiêm ngặt về tiêu chuẩn tăng dần: Capital Market (dành cho doanh nghiệp nhỏ – small cap), Global Market (dành cho doanh nghiệp tầm trung – mid cap) và Global Select Market (cho doanh nghiệp quy mô lớn – large cap). Xét về các tiêu chuẩn tiêu chuẩn về quy mô vốn chủ sở hữu, vốn hóa và thu nhập thuần, báo cáo VNG hợp nhất đủ các điều kiện niêm yết của loại sàn “khó tính” nhất trên NASDAG.

Nếu dựa theo các tiêu chuẩn cao nhất trong mỗi loại sàn, VNG hợp nhất đầy đủ các điều kiện niêm yết của 2/3 sàn trên NASDAG. Riêng đối với sàn Global Select Market theo tiêu chuẩn tài sản và vốn chủ sở hữu nếu áp dụng giá mua cổ phiếu quỹ để tính vốn hóa thị trường. Tuy nhiên, đối với sàn yêu cầu cao nhất này, yếu tố thanh khoản và đặc biệt là số cổ đông có số cổ phiếu chẵn được quy định khá gắt gao.


Tiêu chuẩn của 3 sàn trên NASDAG – Đơn vị tính: triệu USD, triệu cổ phiếu/ Giá trị vốn hóa tính theo giá mua cổ phiếu quỹ

Không dễ để có được những thông tin cập nhật của VNG. Mặc dù, từ năm 2011 cho đến báo cáo tài chính quý IV năm 2016, VNG vẫn cho biết đây là công ty đại chúng nhưng các báo cáo mà doanh nghiệp cần gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và được công bố trên trang thông tin của Ủy ban lại chỉ cập nhật đến năm 2012. Còn hệ thống báo cáo công bố trên trang chủ của doanh nghiệp công nghệ này lại lỗi kéo dài trong phần lớn các thông báo.


Công bố báo cáo tài chính của VNG

Thông tư số 180/2015/TT-BTC được ban hành cuối năm 2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016. Trong đó có quy định Công ty đại chúng đã đủ điều kiện niêm yết nhưng chưa niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán trong 30 ngày kể từ ngày hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng hoặc kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng (IPO) phải hoàn tất việc đăng ký chứng khoán tại TTLKCK và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM. Còn nhiều công ty đại chúng chưa thực hiện theo quy định này như VNG. Sớm ấp ủ về việc niêm yết trên sàn ngoại có thể là lí do VNG bỏ lơ việc niêm yết trong nước.

Thất bại của Cavico trên sàn NASDAG chỉ vì công bố thông tin có lẽ vẫn là bài học mà VNG cần xem xét ký trước khi đem chuông đi đánh xứ người.

Ngày 22/6 tới đây, VNG sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017.

Theo ndh.vn

BÌNH LUẬN