“Về vấn đề NATO mở rộng về phía biên giới của chúng tôi, tôi nghe thông tin đâu đó từ quân đội Nga và tôi cho rằng họ nói đúng, nếu quân đội Mỹ và NATO đặt chân lên Crimea, miền đông Ukraine, Nga sẽ không chống đỡ được trong trường hợp xảy ra mâu thuẫn về mặt quân sự nếu không dùng đến vũ khí hạt nhân ở giai đoạn đầu cuộc xung đột”, đại diện Nga Vyacheslav Alekseyevich Nikonov trình bày với các đại biểu tại diễn đàn GLOBSEC 2017 tại Bratislava, Slovakia.
Các lãnh đạo quân sự Nga đã thảo luận về việc Mátxcơva sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xung đột với các nhà lãnh đạo quân sự ở NATO, đây là một phần của các cuộc đối thoại lớn hơn và ngày càng gia tăng về việc mở rộng liên minh NATO về phía đông, ông Nikonov trả lời Defense One.
Defense One cũng cho rằng lời đe doạ của ông Nikonov thoạt đầu có thể gây kinh ngạc, nhưng nó hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay về chính sách sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga. Trước đây, Liên Xô duy trì chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước đối thủ, tuy nhiên sau này chính quyền tổng thống Vladimir Putin đã từ bỏ chính sách này vào năm 2000 bằng việc xác nhận một học thuyết quân sự mới, cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân một cách hạn chế để “đáp trả lại các tình huống nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Liên bang Nga trong tình huống nổ ra các cuộc xâm lược quy mô lớn sử dụng vũ khí thông thường”.
Tổng thống Putin cũng cho thấy ông sẵn sàng đầu tư vào công nghệ vũ khí hạt nhân. Vào tháng 3 vừa qua, Putin đã cam kết tăng cường đầu tư phát triển các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, hay còn gọi là lực lượng hạt nhân “chiến lược”, và ưu tiên các khoản đầu tư quân sự lên trên so với các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên loại vũ khí hạt nhân mà Nga sẽ sử dụng để bảo vệ lãnh thổ ở Crimea có thể nhỏ hơn nhiều: đó có thể là các vũ khí chiến thuật nhỏ có sức công phá bằng quả bom “Little Boy” uy lực 15 kiloton được ném xuống Hiroshima vào năm 1945. Tuy vậy, những đầu đạn nhỏ này vẫn là mối quan ngại lớn đối với các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ.
Nga đã “duy trì kho dự trữ hạt nhân chiến thuật của họ theo những cách mà chúng ta không hề biết”, ông William Hix, giám đốc chiến lược, kế hoạch và chính sách của quân đội phát biểu hồi tháng 3/2017 tại Hội nghị Thượng đỉnh Năng lượng Booz Allen Hamilton.
Tuy nhiên, việc phát triển kho vũ khí hạt nhân không có nghĩa là ông Putin muốn tấn công bất ngờ.
“Có rất ít dấu hiệu cho thấy Nga có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân ngay khi cuộc xung đột mới diễn ra, trước khi cố gắng sử dụng vũ khí thông thường, cho dù Nga hoàn toàn có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trước trong một cuộc xung đột thông thường”, ông Amy Wolf, chuyên gia về vũ khí hạt nhân của Ủy ban nghiên cứu Quốc hội Mỹ, nhận định hồi tháng 2/2017. “Điều này không phải là mới, và đã trở thành một phần của học thuyết quân sự Nga trong nhiều năm qua”.
NATO áp sát biên giới Nga
Defense One đặt câu hỏi tại sao Nga lại phải tuyên bố rộng rãi về việc nước này sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine? Đó chính là vì NATO. Dù với một số nước, NATO có thể đã trở nên lỗi thời, nhưng với Nga thì không phải vậy. Nga đã theo dõi và lo lắng vì NATO đã kết nạp thêm hàng chục thành viên ở phía Đông, trong khi các nước này vốn nằm trong vùng ảnh hưởng của Mátxcơva.
Ông Nikonov cho biết: “Đối với chúng tôi, NATO là một liên minh quân sự chi tiêu tới ba phần tư chi phí quốc phòng trên toàn cầu, và hiện nay khối này đang dự định gia tăng con số trên”.
Trong hai năm kể từ khi Nga sáp nhập Crimea, các nước Baltic thành viên của NATO đã tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng. Latvia, Lithuania và Estonia dự kiến sẽ tăng từ 210 triệu USD vào năm 2014 lên 670 triệu USD vào năm 2018. “Sự tăng trưởng này nhanh hơn bất kỳ khu vực nào trên toàn cầu”, Craig Caffrey, nhà phân tích của IHS Jane’s, nhận định. “Năm 2005, tổng ngân sách quốc phòng của khu vực này là 930 triệu USD. Đến năm 2020, ngân sách quốc phòng của ba nước này sẽ là 2,1 tỷ USD”.
NATO cũng đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở Đông Âu. Vào tháng 4/2016, tại Hội nghị thượng đỉnh Vácxava, NATO đã đồng ý tăng quy mô quân đội NATO triển khai tới các nước Baltic. Vào tháng 1/2016, Mỹ đã triển khai khoảng 4.000 quân tới Ba Lan. Sau đó, Đức tuyên bố sẽ đưa 1.000 quân tới Lithuania.
Đây là một dấu hiệu khác cho thấy căng thẳng đang leo thang trong khu vực do cuộc xung đột đang diễn ở Ukraine. Trong khi đó Montenegro đã gia nhập NATO vào tháng 5. Ông Nikonov cho rằng những căng thẳng khu vực, và nguyên nhân của những căng thẳng này được Nga nhìn nhận theo cách rất khác so với phương Tây.
“Đối với Nga, định nghĩa về thành công trong việc đối phó với các nước láng giềng là khiến cho họ trở nên càng thân thiện với Nga càng tốt”, ông Nikonov phát biểu tại diễn đàn GLOBSEC, trong khi đó, định nghĩa về thành công của nhiều lãnh đạo ngồi trong căn phòng này là làm cách nào để chia rẽ những nước này khỏi Nga. Tôi nghĩ đây là những mục tiêu xung đột lẫn nhau”.
Đặng Phương Thảo