Sử dụng Skypes, Facebook một cách rất thành thạo, người phụ nữ đã đi gần đến đoạn cuối của cuộc đời này đã vượt qua mọi giới hạn của bản thân, mọi định kiến của xã hội để học hỏi những điều mới mẻ. Đối với cụ: kẻ thù lớn nhất của đời người chính là sự ngu dốt.
*Bài viết được đăng tải trên ChannelNewsAsia
Thoạt nhìn, cụ Lê Thị trông chẳng khác gì so với những người già khác ở Việt Nam. Ở tuổi 97, hàm răng của cụ đã rụng gần hết cùng với cái lưng gù khiến cụ di chuyển khá khó khăn. Phần lớn thời gian cụ phải nằm một chỗ trên giường, chậm rãi nhai từng miếng trầu.
Dù vậy nhưng cụ vẫn không thể ngăn nổi niềm đam mê của mình: viết lách, vẽ tranh và trên hết là học hỏi những điều mới mẻ.
Cụ ngồi thẳng dậy, ánh mắt lấp lánh cùng nụ cười rạng rỡ, chậm rãi kể về cuộc sống thời Pháp Thuộc cách đây cả nửa thế kỷ; trò chuyện Skype cùng đứa cháu ở Moscow cách nửa vòng Trái Đất; và viết sách ở tuổi 87.
“Nếu có 10 điều tôi không biết, tôi sẽ cố gắng học cả 10 điều đó, tôi luôn muốn mình học hỏi được nhiều nhất có thể.”, cụ chia sẻ. “Có thể bạn sẽ không tin nhưng tôi đã từng là một đứa trẻ mù chữ”.
Cuốn sách đầu tiên của cụ bà mang tên “ngược dòng”.
Với niềm đam mê học hỏi không ngừng, cũng dễ hiểu khi cụ Lê Thị trở thành “cụ bà thông thạo internet nhất Việt Nam”.
Cụ cập nhật tin tức hằng ngày từ Google và Yahoo và vẫn thường xuyên chia sẻ trên trang Facebook cá nhân đồng thời giữ liên lạc với con cháu qua Facebook và Skype. Thậm chí cụ còn rất hay để lại bình luận trên các trang diễn đàn văn học.
Cụ có một niềm đam mê với viết sách, dù tuổi đã cao, đôi tay run rẩy và đôi mắt không được tốt nhưng cụ vẫn cần mẫn từng bước hoàn thành cuốn sách của mình.
Nhận thấy được những khó khăn của cụ, những đứa cháu đã đưa cho cụ một chiếc máy tính xách tay và dạy cụ cách gõ. Đó là lần đầu tiên cụ tiếp xúc với máy tính, năm 2007.
Ba năm sau, năm 2010, cuốn tự truyện 600 trang mang tên “ngược dòng” của cụ ra đời.
Cuốn sách của cụ được rất nhiều bạn trẻ yêu thích và còn yêu quý đặt cho cụ những cái tên vô cùng đáng yêu như “cụ bà xì tin” hay “quý bà trẻ mãi”.
“Mặc dù tôi đã gần 100 tuổi nhưng tôi cảm giác mình mới chỉ 20 thôi”, cụ Lê Thị mỉm cười.
Cụ Lê Thị sinh năm 1920, vào cái thời điểm mà định kiến ”trọng nam khinh nữ” còn rất nặng nề ở Việt Nam, đó là một thời đại khác xa bây giờ. Lúc đó, phụ nữ không được phép giỏi hơn đàn ông. Nên cũng dễ hiểu khi cụ không được đi học dù cho cha của cụ là một nhà giáo.
Thời đại đó, anh trai của cụ thậm chí còn chẳng bao giờ cho phép cụ đứng gần. Mỗi khi cụ lại gần, anh trai sẽ bảo: mày tránh xa tao ra, mày chỉ là một đứa đàn bà thôi! Ông ấy sẽ không bao giờ cho phép cụ ngồi trên ghế và luôn cho rằng con gái rất bẩn.
Cụ nhớ lại, lúc đó cụ là con thứ 8 trong gia đình, nhưng là con gái nên luôn bị coi thường. Cụ không thể hiểu tại sao con gái lại không được phép đi học. Dù cho lúc đó cụ rất thích viết lách và vẽ vời.
“Khi tôi ngồi nhìn cha hay các anh em trai tôi đọc sách, tôi không thể làm gì khác bởi vì lúc đó tôi chẳng hề biết nửa chữ bẻ đôi. Tôi cảm thấy mình không thể chấp nhận định kiến đó. Tôi nghĩ tôi có thể làm được bất cứ điều gì mà một người đàn ông có thể làm được.”
Và thế là cụ đã bí mật lén học chữ.
“Cha tôi có rất nhiều sách và tôi thường lấy trộm chúng để đọc vào ban đêm bằng một chiếc khăn trải bàn để che không cho ai nhìn thấy, và một nhành cây đã đốt 1 đầu để viết và vẽ mọi thứ lên sàn nhà.”
Cụ cảm thấy uất ức và bất công với hệ thống khuôn mẫu luật lệ định kiến thời bấy giờ và cuối cùng cụ đã quyết định gia nhập Việt Minh để chống lại những kẻ thù đến từ Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ 2, và sau đó là giặc Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Đó cũng chính là nơi bà gặp và kết hôn với chồng bà, cũng là một giáo viên. Cuộc hôn nhân chỉ kéo dài 17 tháng thì ông hi sinh trong một vụ đánh bom. Cụ và chồng chỉ có duy nhất một người con.
Mặc dù vậy, cụ chia sẻ: “Tôi không hề cảm thấy thù hận bất cứ cá nhân hay quốc gia nào, nhưng tôi rất ghét chiến tranh, tôi chỉ muốn góp sức mình xây dựng Việt Nam trở thành một đất nước tốt đẹp hơn, mọi người có thể sống một cuộc sống yên bình hơn nơi đây.”
Kể từ khi chồng mất, cụ đã trải qua rất nhiều công việc, từ chăn nuôi gia súc đến thêu thùa may vá, thậm chí cả xây dựng – công việc tưởng như chỉ dành cho đàn ông, nhưng có một điều mãi mãi không thay đổi: cụ không bao giờ từ bỏ niềm đam mê học tập của mình.
Cụ sống trong một ngôi nhà sáng sủa và thoáng mát, đủ để cụ có thể đọc, viết, lướt internet hay vẽ lên mọi thứ mà cụ thích.
Cụ rất tự hào khi khoe rằng đứa con trai duy nhất của cụ và cả ba đứa cháu đều tốt nghiệp thạc sỹ. Đó hẳn là điều mà cụ luôn khao khát có được.
Con trai duy nhất của cụ và cả ba đứa cháu đều tốt nghiệp thạc sỹ.
Cụ đã hoàn thành hơn 2000 bức tranh chỉ (mà không hề bán bất cứ một bức nào) và đã viết khoảng 50 cuốn sách bao gồm cả nhật ký. Nhưng chưa dừng lại ở đó, cụ vẫn còn một cuốn sách cần phải hoàn thành, đó là cuốn “vòng xoáy cuộc đời”, nơi cụ chia sẻ những suy nghĩ về cuộc đời.
Cụ muốn giữ những bức tranh của mình làm kỷ niệm chứ không bán.
“Thế giới là một vòng xoáy của chủ nghĩa duy vật. Mọi người luôn nghĩ rằng tiền có thể mang lại hạnh phúc, nhưng với tôi: hạnh phúc là tự do, là tri hức, là khoa học.”
“Tôi cảm thấy thật đáng tiếc cho những người đang ngày ngày lãng phí thời gian của họ.”, cụ nói thêm.
Nhưng thời gian đối với mỗi người là hữu hạn, cụ nhận ra giờ đây tuổi cũng đã cao, việc viết lách đối với cụ không còn dễ dàng như trước. Trước đây có những ngày cụ đã ngồi cả đêm chỉ để viết, nhưng bây giờ chỉ ngồi vài giờ thôi là cụ đã cảm thấy muốn nghỉ ngơi rồi.
Dù vậy nhưng cụ không bao giờ bỏ cuộc, dù có mất 10 năm nữa để hoàn thành cuốn sách. Điều mong muốn duy nhất của cụ là truyền đạt được những trải nghiệm của cụ cho những đứa cháu của mình.
Và một lần nữa cụ khẳng định rằng: kẻ thù lớn nhất của con người chính là sự ngu dốt.
“Có hàng triệu điều tôi muốn biết. Và có thể tôi sẽ mất thêm cả thế kỷ nữa để có thể học được tất cả những điều đó, nhưng tôi vẫn luôn sẵn sàng làm như vậy.”
Trí Thức Trẻ