Trong xã hội Nhật, vay mượn tiền của người khác là hành vi đáng xấu hổ và các gia đình áp dụng triệt để phương châm tiết kiệm trước, tiêu sau.
Năm ngoái, trung bình các gia đình Nhật tiết kiệm được tới 18 triệu yên (khoảng hơn 3,6 tỷ đồng) và con số này tăng đều mỗi năm. Thói quen tiết kiệm đã ăn sâu vào văn hóa Nhật và dưới đây là những cách tiết kiệm của các gia đình nước này, theo Tokyofamilies:
Trì hoãn sự thỏa mãn
Hầu hết trẻ Nhật được bố mẹ dạy về tài chính cá nhân từ nhỏ. Trẻ hiểu rằng càng tiết kiệm được nhiều tiền thì họ càng mua được những thứ chất lượng trong tương lai. Các bố mẹ Nhật thường giục con cất tiền được người thân tặng vào ngân hàng để tránh mua sắm ngẫu hứng. Phụ huynh luôn cố gắng giúp con hiểu được rằng vay tiền của người khác là hành vi không thể chấp nhận được trong xã hội Nhật. Vì vậy, khi có cơ hội, học sinh trung học đã tìm việc làm thêm để kiếm tiền.
Người đàn ông trước khi bắt đầu xây dựng sự nghiệp và lập gia đình phải chuẩn bị thật tốt khả năng quản lý tài chính của bản thân.
Ảnh minh họa: Japanese Info. |
Người Nhật yêu tiền mặt
Nhật là một xã hội chuộng tiền mặt. Mọi người chi cho các khoản nhỏ hay lớn đều bằng tiền giấy hay qua thẻ ghi nợ. Họ có sử dụng thẻ tín dụng nhưng không quẹt thường xuyên như ở nhiều nước khác.
The Credit Card Academy, một trang mạng hướng dẫn sử dụng thẻ tín dụng tại Nhật, ước tính trung bình chỉ có 18% người Nhật dùng thẻ tín dụng để mua sắm, trong khi con số này ở Mỹ là 54%, ở Anh là 55% và ở Hàn Quốc là 58%.
Càng lớn tuổi càng tiết kiệm nhiều
Một khảo sát năm 2014 của Chokin Ginko, cho thấy, ở Nhật hầu như ai cũng tiết kiệm, bất kể tuổi tác điều kiện tài chính thế nào. Với các gia đình, người nội trợ thường áp dụng triệt để các mẹo tiết kiệm sau, theo Japanese Info:
– Luôn rút tiền mặt: Mặc dầu lương thường được trả qua tài khoản ngân hàng, người Nhật thường rút tiền ra để trang trải các chi phi, chỉ để lại một khoản nhỏ trong đó. Họ sẽ để tiền vào các phong bì, mỗi cái chứa một khoản nhất định, bên ngoài ghi rõ dùng cho việc gì.
– Luôn có mục tiêu tiết kiệm cụ thể, chẳng hạn, tiết kiệm khoản X để du lịch, khoản Y để sửa nhà.
– Luôn so sánh giá mọi thứ để có lựa chọn tối ưu. Chẳng hạn, thay vì ăn ngoài, nếu người chồng mang cơm hộp đi làm tuần 3 lần, họ có thể tiết kiệm tới 63.000 yên mỗi năm. Hay nếu chồng chuyển từ uống loại bia đắt tiền sang loại rẻ hơn thì có thể để dành được 30.000 yên/năm.
– Chỉ tiêu 10-15% thu nhập cho giải trí.
– Khi đi siêu thị, người nội trợ ghi ra thứ mình cần, mua và thanh toán rồi về luôn.
– Trước khi mở tủ lạnh, họ biết rõ mình cần lấy gì. Mở và đóng tủ lạnh trong vòng 3 giây để tiết kiệm điện.
– Nước nóng từ bồn tắm được dùng lại để lau nhà.
– Mua các máy móc, thiết bị tiết kiệm điện.
– Chỉ mua quần áo trong các đợt giảm giá.
Vương Linh