Chủ đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho biết đang phải trả trung bình 8 tỷ đồng tiền lãi mỗi ngày, trong khi doanh thu từ phí chỉ đạt khoảng 5,5 tỷ.
Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) vừa gửi một loạt kiến nghị lên Thủ tướng trước thềm Hội nghị giữa người đứng đầu Chính phủ và các doanh nghiệp sắp diễn ra trong tháng 5 này. Theo đó, có 2 vấn đề nổi cộm được VIDIFI kiến nghị gồm tái cơ cấu các khoản vay và hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
Về việc tái cơ cấu các khoản vay nước ngoài của dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, doanh nghiệp kỳ vọng được Chính phủ, các bộ ngành có liên quan giải quyết sớm. Cụ thể, VIDIFI cho biết, tổng các khoản vay nước ngoài của dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là 300 triệu USD, bao gồm 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức.
Số liệu từ doanh nghiệp cho thấy hiện số thu phí từ tuyến đường bình quân là 5,5 tỷ đồng mỗi ngày, trong khi lãi vay phải trả khoảng 8 tỷ đồng. Như vậy, mỗi ngày số tiền hụt là 2,5 tỷ đồng (tương đương khoảng 900 tỷ mỗi năm). “Lãi vay chiếm 94% chi phí trong giai đoạn vận hành tuyến đường cao tốc”, VIDIFI cho hay.
Vào cuối năm 2016, Bộ Tài chính đã có văn bản xin ý kiến các bộ ngành liên quan về dự thảo cơ chế chuyển đổi, hỗ trợ đối với nguồn vay nước ngoài đầu tư cho dự án. Theo đó, VIDIFI chịu trách nhiệm trả nợ lãi, việc trả nợ gốc được bố trí bằng vốn ngân sách qua Bộ Giao thông Vận tải được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từng thời kỳ.
Chủ đầu tư dự án BOT Hà Nội – Hải Phòng cho biết mỗi ngày thu phí đạt bình quân 5,5 tỷ đồng nhưng vẫn không đủ trả lãi vay ngân hàng. Ảnh: Báo Nhân dân |
Tuy nhiên, sau đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư có ý kiến chưa thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính với lý do Bộ Giao thông vận tải đang gặp khó khăn trong cân đối kế hoạch vốn nước ngoài, ít có cơ sở để bố trí được vốn cho dự án. Vì vậy đến nay, thủ tục tái cơ cấu đối với khoản vay nước ngoài 300 triệu USD của dự án vẫn chưa được thực hiện.
Theo doanh nghiệp, nếu phần hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án không được bố trí vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 sẽ gây khó khăn rất lớn cho vấn đề tài chính, thậm chí phá vỡ phương án tài chính của VIDIFI. Hơn nữa, hiện số vốn đã cho vay dự án chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Do đó, nếu các khoản hỗ trợ không được cấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ngân hàng này.
Bên cạnh đó, theo VIDIFI cho biết, là một trong những doanh nghiệp đi đầu về hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, nếu các khoản hỗ trợ của Nhà nước không được cấp kịp thời sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP.
“Dự án đã có các nhóm nhà đầu tư nước ngoài từ Ấn Độ, công ty tư vấn đầu tư từ Úc quan tâm, xúc tiến chuyển nhượng. Tuy nhiên, nếu các hỗ trợ của Nhà nước không được thực hiện sẽ không chỉ ảnh hưởng đến dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mà còn ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hạ tầng nhà nước đang khuyến khích”, kiến nghị của VIDIFI nêu.
Ngoài vấn đề tái cơ cấu các khoản nợ, VIDIFI còn gửi kiến nghị lên Thủ tướng về việc cấp hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án này. Theo doanh nghiệp, để đẩy nhanh tiến độ dự án nên trong khi Nhà nước chưa cấp kinh phí, VIDIFI đã vay vốn VDB để bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên đến nay khoản hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án (gần 4.100 tỷ đồng) vẫn chưa được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Trong khi đó, quy định của Chính phủ thì đối với các dự án quan trọng, Nhà nước phải bố trí vốn ngân sách đề bồi thường, giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư khi bắt đầu triển khai dự án.
“Đối với dự án đường cao tốc, nhà đầu tư chưa được Nhà nước cấp vốn tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng mà đã phải bỏ vốn thực hiện trong 8 năm và hiện đã phải trả lãi vay với mức 10% mỗi năm”, kiến nghị của doanh nghiệp cho hay.
Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có 6 làn xe, tốc độ tối đa cho phép 120 km/h, được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Cao tốc đi qua 4 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với chiều dài 105 km, tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), phần lớn vay vốn lãi suất thương mại dao động 10,5-11,4% trong thời gian 30 năm.
Mức phí đang được áp dụng trên tuyến này hiện khá cao (thấp nhất 190.000 đồng một lượt cho xe dưới 9 chỗ ngồi chạy toàn tuyến). Được xem là đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam, dự kiến, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ mãn tải vào sau 18 năm khai thác.
Cũng liên quan đến dự án này, trong kiến nghị gửi Thủ tướng, Hiệp hội Doanh nghiệp quận Hải An – TP Hải Phòng lại cho rằng, cần giảm mức thu phí tại một số dự án BOT, đặc biệt là tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.