Filip Tysander – nhà sáng lập Daniel Wellington thích làm đồng hồ dây dù, không chi tiền cho quảng cáo và sẵn sàng phân phối cho mọi đối tác.
Không như nhiều hãng đồng hồ khác, Daniel Wellington bắt đầu từ ý tưởng về dây đeo. Năm 2006, khi đi du lịch Australia, Filip Tysander gặp một người Anh có tên Daniel Wellington. Anh ta đeo một chiếc đồng hồ Rolex với dây Nato cổ điển. Tysander ấn tượng mạnh với phong cách này. Và đó là lúc anh nghĩ đến ý tưởng về một thương hiệu tên Daniel Wellington.
Khi quay về Thụy Điển, anh mở công ty để hiện thực hóa điều này. Daniel Wellington (DW) làm loại đồng hồ rất phổ biến. Vỏ bằng thép không gỉ với 5 kích cỡ. Mặt đồng hồ màu trắng, mảnh và kim to vừa phải. Điều duy nhất khiến DW khác biệt là dây đeo.
Hãng có dây dù nhiều màu và vài loại bằng da, không quá bóng bẩy để được coi là sang trọng. Thông thường, khi mua đồng hồ, người dùng sẽ phải trả số tiền lớn cho các loại mang phong cách tối giản, như A. Lange & Söhne hay Piaget. Tuy nhiên, DW rẻ hơn nhiều, thường chỉ có giá 149 USD đến 299 USD.
Filip Tysander – ông chủ hãng đồng hồ Daniel Wellington. Ảnh: Ergo |
“Đồng hồ của chúng tôi lấy cảm hứng từ các hãng cao cấp, nhưng với giá phải chăng”, Frans Sjo – Giám đốc Kinh doanh tại Mỹ của DW cho biết, “Có thể nói rằng chúng tôi muốn mọi người đều sở hữu DW”.
4 năm trước, Tysander đầu tư 15.000 USD để lập công ty. Năm 2014, họ đã bán được hơn 1 triệu chiếc và thu về 70 triệu USD. Năm nay, Tysander dự báo đạt doanh thu 220 triệu USD. Trong khi đó, Rolex (thường bán đồng hồ giá trên 5.000 USD) và Tag Heuer (bán sản phẩm giá khoảng 1.000 USD) bán được 1 triệu chiếc một năm là được đánh giá tốt rồi.
Điều này cho thấy, ít nhất là hiện tại, người ta sẽ kinh doanh tốt nếu bán đồng hồ cực đắt, hoặc cực rẻ. DW cạnh tranh với vô số thương hiệu khác trong tầm giá 100-500 USD. Tuy nhiên, cũng như cái cách đồng hồ nhựa màu của Swatch thống trị thập kỷ 80, và đồng hồ Fossil của những năm 90, Daniel Wellington đang là thương hiệu thống trị.
Một mẫu đồng hồ của Daniel Wellington. Ảnh: Daniel Wellington |
Một yếu tố khác làm nên thành công của Tysander là chọn đúng thời điểm. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngành đồng hồ bắt đầu tăng trưởng mạnh. Khoảng 40 triệu đồng hồ kim đã được bán tại Mỹ năm 2014, tăng so với 33 triệu USD năm 2009, theo hãng nghiên cứu Euromonitor. Doanh thu còn tăng với tốc độ cao hơn, từ 3,7 tỷ USD lên 5 tỷ USD.
Khi mở công ty năm 2009, Tysander 30 tuổi. Thời điểm đó, anh còn có một cửa hàng bán caravat và đồng hồ nhựa online cùng anh trai. Điều tình cờ là nhà máy Trung Quốc sản xuất đồng hồ cho anh cũng làm dây dù. Vì thế, anh bắt đầu nghĩ đến việc thiết kế loại mặt đồng hồ để hợp với dây này.
“Tôi làm loại vỏ mỏng hơn và thêm màu cho hiện đại”, anh nhớ lại. Chiếc đồng hồ Daniel Wellington đầu tiên màu vàng hồng, đường kính 40mm và có dây dù.
Nhiều người nhận xét ngoại hình của Tysander cũng phần nào giống loại đồng hồ anh tạo ra. Tysander có dáng người gầy, tóc sáng màu đặc trưng của người Thụy Điển. “Một trong những thách thức lớn nhất của tôi thời kỳ đầu là chỉ có một mình, không nhà sáng lập”, anh nhớ lại. Vì thế, anh phải tuyển bạn cùng lớp đại học để hỗ trợ. Đến nay, công ty của anh đã có hơn 100 người tại 5 văn phòng, từ Los Angeles, New York, Stockholm, Hong Kong đến Thâm Quyến (Trung Quốc).
Dù DW là một công ty Thụy Điển, đồng hồ của họ lại sản xuất tại Trung Quốc. Việc này giúp họ giữ giá ở mức thấp. Tuy nhiên, các bộ phận chuyển động thiết yếu được sản xuất bởi Miyota – một hãng Nhật Bản tập trung vào thương hiệu giá rẻ. Tysander đánh giá sản phẩm của hãng đáng tin cậy và có thể cung cấp số lượng lớn. Các bộ phận còn lại được sản xuất và lắp ráp tại Thâm Quyến – trung tâm sản xuất của Trung Quốc.
Việc phân phối cũng được quốc tế hóa. Ban đầu, Tysander bán online tại Thụy Điển và qua vài cửa hàng trong nước. Một năm sau, anh đến New York tìm đối tác tại Mỹ. Và giờ đồng hồ này đã có mặt tại nhiều trung tâm thương mại lớn, như Bloomingdale’s hay Nordstrom. Sau đó, DW tham gia Baselworld – triển lãm đồng hồ lớn nhất thế giới.
Không như nhiều hãng khác chỉ bán độc quyền, DW phân phối cho hầu hết hãng bán lẻ muốn sản phẩm của mình. Họ hiện có hơn 5.800 đối tác trên toàn cầu, kể cả ở những xa xôi như Kazakhstan hay Quần đảo Faroe. Tysander cho biết anh còn muốn mở rộng sang nhiều địa điểm nữa, như châu Phi – nơi thị trường đồng hồ còn chưa phát triển.
Công ty này thường tặng sản phẩm cho những người nổi tiếng trên mạng xã hội. Tysander không chi tiền cho quảng cáo, mà làm việc với hàng nghìn blogger, người nổi tiếng và người có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Blake Scott (27 tuổi) đã hợp tác với Daniel Wellington hơn 1 năm. Anh có hơn 318.000 người theo dõi trên Instagram.
“Lần đầu tôi nhìn thấy Daniel Wellington là trên Instagram. Ai cũng đeo và tôi thấy thật nó thật ngầu”, Scott nhớ lại. Ngay sau đó, nhân viên DW liên lạc với Scott và muốn tặng anh vài chiếc để đăng lên trang cá nhân. Scott sau đó đồng ý nhận vài trăm USD cho chiến dịch kéo dài vài tuần.
Nhờ mạng xã hội, tài khoản Instagram của DW giờ đã có hơn một triệu người theo dõi, gần gấp 4 đối thủ MVMT hay Fossil. Các hãng đồng hồ thường không dùng mạng xã hội. Vì thế, DW đã lấp đầy khoảng trống này.
Dù vậy, đồng hồ quá đơn giản sẽ gây nhàm chán sau một thời gian. Vì thế, tháng trước, Tysander thông báo DW sẽ cho ra dòng Dapper phức tạp hơn, cả về mặt số, kim đồng hồ và dây đeo. Với giá 299 USD, đây cũng là đồng hồ đắt giá nhất của hãng đến nay.
Hà Thu (theo Bloomberg)