Cao Bằng kiến nghị Chính phủ giao tỉnh hoặc Bộ Giao thông làm chủ đầu tư, sớm đàm phán với Trung Quốc để vay 300 triệu USD làm cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Tỉnh Cao Bằng và Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Chính phủ về việc đầu tư tuyến đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, dài 144 km với thiết kế 4 làn xe và kinh phí đầu tư hơn 47.500 tỷ đồng (khoảng 2,16 tỷ USD). Một trong những nội dung được quan tâm nhất là vốn vay.

Một khoản vay trị giá 300 triệu USD từ Trung Quốc từng được đề cập trong phương án vốn làm cao tốc Vân Đồn – Móng Cái (Quảng Ninh) hồi giữa năm 2016. Tuy nhiên sau đó phương án này không được tính đến do Quảng Ninh – chủ đầu tư dự án này cho rằng việc vay vốn Trung Quốc thường đi kèm điều kiện và có thể làm chậm tiến độ triển khai dự án. Đồng thời, với tổng vốn 16.000 tỷ đồng cho cả dự án, việc vay Trung Quốc 300 triệu USD (gần 7.000 tỷ đồng) là không đủ để đầu tư.

Cụ thể, tỉnh Cao Bằng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ sớm tham mưu, bố trí vốn cho dự án trên, trước mắt là khoản vay 300 triệu USD của Trung Quốc. Khoản tiền này từng được nhắc tới trong cuộc làm việc hồi đầu tháng 2/2017 giữa Thủ tướng và lãnh đạo Cao Bằng.

Theo đó, người đứng đầu Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương giao các bộ nghiên cứu sử dụng khoản tín dụng ưu đãi bên mua của Trung Quốc cho dự án này. Tại văn bản mới nhất, lãnh đạo tỉnh mong muốn Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ đàm phán với phía Trung Quốc để đạt được thỏa thuận vay.

Cũng tại văn bản trên, chính quyền Cao Bằng đề xuất Chính phủ giao tỉnh hoặc Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư dự án, đồng thời ứng trước nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để khẩn trương lập hồ sơ đầu tư.

cao-bang-muon-vay-300-trieu-usd-cua-trung-quoc-lam-duong-cao-toc

Cao Bằng đánh giá tuyến đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh khi đưa vào vận hánh sẽ có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế xã hội cả nước. Ảnh minh họa

Trong văn bản nêu ý kiến về dự án, Bộ Giao thông dẫn lại quy định tại Điều 63 Luật Đầu tư công và cho rằng Bộ không phải đối tượng được vay lại khoản tiền từ Trung Quốc.

Ngay cả phương án giao cho 2 doanh nghiệp chuyên đầu tư hạ tầng (thuộc Bộ) là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hay Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long (CIPM) vay cũng là không khả thi với. Cụ thể, VEC không đủ năng lực tiếp tục vay, còn CIPM cũng không có khả năng vay nếu Nhà nước không có cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Do đó, Bộ Giao thông đề nghị Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn chủ trì, vay lại khoản vay 300 triệu USD của Trung Quốc. Bộ Giao thông cũng ủng hộ đề xuất giao Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền huy động vốn, triển khai thực hiện đầu tư tuyến cao tốc trên.

Tại văn bản, chính quyền tỉnh Cao Bằng cũng kiến nghị Chính phủ đốc thúc Bộ Giao thông sớm đưa dự án vào quy hoạch phát triển đường cao tốc Việt Nam định hướng đến năm 2030, sau sự nhất trí về chủ trương của Thủ tướng tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh hồi đầu năm.

Tỉnh Cao Bằng cũng cho rằng việc đầu tư xây dựng tuyến giao thông, nhất là đường cao tốc từ Đồng Đăng đến cửa khẩu Trà Lĩnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, vận tải hàng hóa 2 chiều theo trục đường Trùng Khánh – Quý Châu – Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng nối vào đường biển đến các nước ASEAN… Vì vậy, tỉnh kiến nghị Chính phủ cho thực hiện đầu tư tuyến đường này trong giai đoạn 2017-2020, sớm hơn so với kế hoạch trước đó.

Anh Minh

BÌNH LUẬN