Nhiều công viên, đường phố ở Italy được đặt theo tên du khách nhí Nicholas, nhằm vinh danh cậu bé tử nạn trên đường đi nghỉ cùng gia đình, nhưng đã giúp nâng tỷ lệ hiến tạng ở Italy lên gấp ba lần trong một thập kỷ.

Đêm 29/9/1994, du khách Mỹ Nicholas Green, 7 tuổi bị bắn chết khi đang đi nghỉ cùng bố mẹ tại miền nam Italy. “Khoảnh khắc tôi cảm thấy nguy hiểm là khi một chiếc ôtô đen tiến đến gần và dừng lại một lúc. Chúng tôi nghe thấy những tiếng hét giận dữ từ họ, muốn tôi dừng lại. Nhưng tôi lại tăng tốc”, Reg – cha cậu bé nhớ lại.

du-khach-da-chet-23-nam-nhung-tim-van-dap

Nicholas chụp cùng bố và em gái trên dãy Alps, vài ngày trước khi xảy ra tai nạn. Ảnh: BBC.

Sau khi chiếc xe bỏ đi, vợ chồng du khách Mỹ thở phào vì cho rằng mọi chuyện đã kết thúc. Maggie, vợ Reg còn quay lại nhìn vào ghế sau và yên tâm khi thấy hai con vẫn ngủ say. Nhưng mọi chuyện mới chỉ bắt đầu. Hai vợ chồng sau đó đã lặng người nhận ra, một viên đạn đã xuyên qua cửa kính ôtô và găm thẳng vào đầu cậu con trai Nicholas khi đó mới 7 tuổi. Cậu bé gục ngay tại chỗ, cạnh cô em Eleanor vẫn đang ngủ bình yên. “Đó là khoảnh khắc u tối nhất trong cuộc đời tôi”, người cha lặng lẽ nói.

du-khach-da-chet-23-nam-nhung-tim-van-dap-1

Tên của du khách nhí người Mỹ được dùng để đặt cho nhiều cửa hàng, địa điểm tại Italy, như một lời cám ơn và tưởng nhớ mà người dân nước này dành cho cậu. Ảnh: BBC.

Dù được đưa đến bệnh viện cấp cứu, Nicholas vẫn không qua khỏi sau vài ngày hôn mê. “Khi đó, nếu tôi dừng lại theo ý họ, có lẽ mọi chuyện đã khác”, Reg đau khổ nói.

Theo Green, mafia Italy hiếm khi giết hại trẻ con, vì hành động này đẩy chúng vào việc bị cảnh sát truy đuổi gắt gao. Cảnh sát nước này sau đó đã bắt được hai người có liên quan đến cái chết của Nicholas, Francesco Mesiano và Michele Iannello. Sau 23 năm, gia đình du khách Mỹ vẫn chưa nhận được câu trả lời chính xác về những kẻ đã bắn con trai mình là cướp hay sát thủ được thuê nhưng giết nhầm. Tuy nhiên, dựa vào việc hai kẻ bị bắt đã thuê luật sư hàng đầu tại Italy, Green tin rằng họ có mối liên hệ với tổ chức mafia.

Dù con trai bị bắn chết tại Italy, nhưng gia đình Green vẫn quyết định hiến tạng con để cứu sống những người Italy khác. “Lúc đó, tôi chẳng nghĩ được gì. 4 tháng sau, tôi được mời tới gặp những người đã nhận tạng tại Sicily. Hơn nữa, con trai tôi là một cậu bé tốt bụng. Nếu phải lựa chọn giữa hận thù và việc giúp đỡ người khác, thằng bé sẽ chọn phương án hai”, Reg kể lại.

7 người đã được cứu sống khi nhận tạng của Nicholas. Trong buổi gặp gỡ với họ (chỉ có 6 người, 1 người không đến được vì lý do sức khỏe), cả Reg và những người được cứu đều khóc. Những người này đã gửi lời cảm ơn tới gia đình Green. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, gia đình du khách Mỹ cảm thấy họ đã làm được điều gì đó thực sự lớn lao.

Gia đình Green sau đó có thêm cặp sinh đôi, những người sẽ tròn 21 tuổi vào tháng 5 này.

Sau hành động cao cả của gia đình du khách Mỹ, cả Italy lúc đó đồng loạt dấy lên phong trào hiến tạng. Năm 1993, tỷ lệ hiến tạng ở đây là 6,2/1 triệu người. Sau cái chết của du khách nhí, con số này là 20/1 triệu người. Người ta gọi đó là “hiệu ứng Nicholas”.

Với nhiều người Italy, hình ảnh đáng yêu về Nicholas vẫn còn được nhớ mãi.

Theo Times, việc một cậu bé mới 7 tuổi bị bắn chết khi đang đi nghỉ mát cùng gia đình khiến người Italy cảm thấy xấu hổ. Và họ đã làm theo cách mà bố mẹ Nicholas đã làm sau cái chết của em, hiến tạng, như một cách để sửa chữa và bù đắp lại lỗi lầm.

Hiện hơn 120 địa danh ở Italy được đặt tên Nicholas để vinh danh cậu bé: 50 khu dân cư và đường phố; 27 công viên và vườn cây; 27 trường học; 16 đài kỷ niệm và công trình khác, bao gồm một cây chanh, cầu và một giảng đường.

Khi được hỏi về cái chết của cậu con trai lớn ảnh hưởng thế nào đến cuộc đời mình, Reg cho biết: “Đó là nỗi buồn mà tôi chưa bao giờ từng có trước đó. Tôi không bao giờ cảm thấy hạnh phúc hoàn toàn được nữa. Mỗi khi có điều gì đó vui vẻ, tôi lại nghĩ giá như có thằng bé ở đây”.

Anh Minh

BÌNH LUẬN