Và cũng như Trump, ông đang trở thành thỏi nam châm cho các vụ scandal.

Chân dung "bản sao Donald Trump" của Indonesia: Tỷ phú BĐS, thích dùng Twitter và muốn làm Tổng thống

Cũng như Trump, tỷ phú người Indonesia Hary Tanoesoedibjo tạo dựng đế chế của mình (trị giá 1,1 tỷ USD) trong lĩnh vực bất động sản và truyền thông từ một núi các khoản nợ. Ông liên tục viết status trên Twitter. Ông tổ chức các cuộc thi sắc đẹp. Ông rất thích các chương trình truyền hình thực tế. Ông có một người vợ xinh đẹp.

Và Hary không dừng lại ở đó. Ông cũng bắt đầu theo đuổi các mục đích chính trị, đặc biệt là vị trí tổng thống của đất nước đạo Hồi lớn nhất thế giới, với dân số đứng thứ 4 thế giới và quy mô kinh tế đứng thứ 16 toàn cầu. Và cũng như Trump, ông đang trở thành một thỏi nam châm cho các vụ scandal.

Vào năm 2013, Hary mua khu nghỉ dưỡng Nirwana với giá 200 triệu USD và Lido – khu đất có giá trị tương đương ngay ngoại ô Jakarta. Ông yêu cầu cấp dưới lập ra một danh sách rút gọn những công ty kinh doanh khách sạn hạng sang có tiếng để tìm đối tác, và cuối cùng chọn ra Trump Organization.

“Trump chuyên về khách sạn và sân golf. Đó là lý do chúng tôi chọn Trump”, Hary cho biết. Các thỏa thuận vào năm 2015 cho phép Trump Organization quản lý các khách sạn và CLB Golf như tài sản của tổ chức này.

Vào đêm trước khi Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ, Hary ngồi trong hành lang quán bar thuộc Trump International Hotel. “Donald Trump có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tất cả mọi người”, Hary nói rất vui vẻ, “trong đó có tôi”.

Nguồn cảm hứng đó còn bắt nguồn từ tuổi thơ của Hary. Cha của ông là một nhà thầu (cũng như cha của Trump) ở Surabaya, một thành phố cảng ở phía đông Java. Ông rất kỳ vọng vào con trai và gửi Hary đi học về tài chính ở Đại học Carleton, Canada.

Sau khi tốt nghiệp, Hary về nhà và cũng như Trump, nhận tiền của cha để lập nghiệp vào năm 1989. Đó là một công ty môi giới với số tiền đầu tư 5.000 USD từ cha mình. Chỉ trong một năm, ông đã biến giá trị của nó thành 24 triệu USD trước khi đưa đế chế sau này trở thành MNC Group vào cơn địa chấn của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Trong cơn hỗn loạn của nền kinh tế, ông tập trung mua các công ty giá rẻ. “Đó là thời kỳ vàng son của tôi”, Hary nhớ lại. Ông thực hiện hàng chục cuộc mua bán trong vài năm tiếp theo, đưa giá trị đầu tư lên đến gần 1 tỷ USD, trong đó có tới 4 đài truyền hình.

Trong những năm 2000, ông chuyển đổi mô hình của các đài truyền hình từ phát các chương trình của công ty khác thành phát các chương trình do MNC sản xuất, lập ra một công ty quản lý tài năng để kiểm soát những ngôi sao mà mình tạo ra.

Nhận thấy các show truyền hình tìm kiếm tài năng sẽ tiến xa, ông mua quản quyền và tổ chức các chương trình theo format của X-Factor và American Idol. Bắt đầu từ năm 2005, ông tổ chức cuộc thi Hoa hậu Indonesia hàng năm, và vào 2013 ông đăng cai tổ chức chương trình Hoa hậu Thế giới. MNC chiếm đến 40% lượng khán giả trong giờ cao điểm và có tới 5 trong số 10 chương trình phổ biến nhất ở Indonesia.

Ngày nay, MNC đã có hơn 60 đài truyền hình địa phương, 4 đài truyền hình quốc gia, một tờ báo, một công ty bất động sản, và một số hạng mục đầu tư khác, trong đó có khai thác mỏ than. Kết quả là, các khoản nợ cũng chất đống bên trong MNC, tăng 350% trong 5 năm lên 2,2 tỷ USD. S&P còn dự đoán khoản nợ này sẽ tăng thêm khoảng 800 triệu USD vào cuối năm 2018. Cả Moody và S&P đều coi trái phiếu của công ty mẹ MNC là không có giá trị và có triển vọng không cao.

Tất cả những vấn đề này đều xảy ra khi Hary, cũng như Trump trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, không còn tập trung toàn bộ tâm sức vào việc kinh doanh nữa. Năm ngoái, ông đã rời bỏ vị trí CEO trong công ty truyền thông lớn nhất của MNC.

Hary gạt bỏ mọi lo ngại về khoản nợ khổng lồ của MNC và nói rằng không có kế hoạch phát triển công ty lớn mạnh hơn nữa. “Nếu tôi mở rộng sang các lĩnh vực khác, sẽ tốn rất nhiều thời gian, mà tôi lại muốn làm chính trị”.

Sóng gió đã nổi lên ngay trong lần đầu tiên Hary tham gia vào chính trường Indonesia. Đó là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử năm 2014. Ông bỏ một đảng phái (Nasdem) vì bất đồng với đường lối lãnh đạo, và sau đó gia nhập một đảng khác (Hanura) để trở thành ứng viên phó tổng thống bên cạnh cựu tướng lĩnh quân đội Wiranto. Chiến dịch của họ nhanh chóng thất bại khi các ứng viên mạnh hơn và được biết đến nhiều hơn xuất hiện.

Sau thất bại đó, Hary dồn sự ủng hộ cho Prabowo Subianto, một cựu tướng lĩnh quân đội khác. Nhưng kết quả là Joko Widodo giành thắng lợi.

Gần như ngay lập tức, Hary tách ra và lập chính đảng của riêng mình – Perindo – vào tháng 10/2014. Các phương tiện truyền thông nhanh chóng trở thành mạng lưới quảng bá cho hình ảnh của ông. Các nhà báo theo ông gần như khắp nơi, ghi lại mọi động thái của ông. Mỗi ngày, Hary viết đến hàng chục status trên Twitter.

Tuy nhiên, Hary có khá nhiều rào cản cần vượt qua. Ông là người Hoa trong một đất nước có đến 99% thuộc các sắc tộc khác, là người Công giáo trong đất nước đạo Hồi lớn nhất thế giới. Nhưng mặt khác, thời cơ dường như đã đến với Hary. Tăng trưởng kinh tế đã chững lại, từ 6.2% (2011) xuống 4.8% (2015). “Ở Mỹ, Trump có khẩu hiệu ‘Make America Great Again’, Hary cho biết, “Còn ở đây tôi có ‘Make Indonesia Great Again’. Đó là lý do tôi đi vào con đường chính trị”.

“Hiện nay đảng của tôi là một ngôi sao đang lên”, Hary tự hào tuyên bố, mặc dù ý kiến đó không được đông đảo các chuyên gia về chính trị ở Indonesia đồng tình. Họ cho rằng khả năng tranh cử tổng thống của ông vẫn còn khá xa vời bởi nền tảng sắc tộc và tôn giáo cộng với danh tiếng chưa được biết đến trong một đất nước có hơn 700 ngôn ngữ với 13.466 hòn đảo. Con đường đúng đắn nhất có lẽ là tham gia với tư cách ứng viên phó tổng thống cho một ứng viên khác trong cuộc bầu cử năm 2019, tài trợ cho các chiến dịch tranh cử và tự đứng ra tranh cử tổng thống sau này.

Tuy nhiên ông có 2 yếu tố thế mạnh: Đế chế truyền thông và mối liên hệ với Trump.

“Mọi người hỏi tôi về ông Trump”, Hary nói, “Tôi đều bảo rằng chúng tôi chỉ có quan hệ làm ăn hoặc chính trị mà thôi. Thậm chí Trump còn không tập trung kinh doanh nữa”. Tuy nhiên Hary cho biết ông sẽ hỗ trợ tổng thống Widodo giải quyết các công việc liên quan đến Trump nếu được đề nghị. “Nếu ông ấy cần tôi giúp sức, tôi sẽ rất sẵn lòng”.

Đinh Vân (Theo Trí Thức Trẻ)

BÌNH LUẬN