Chị em phụ nữ hẳn sẽ rất đau buồn vì tin này, khi nâng ngực có thể gây ra một dạng ung thư đã giết chết ít nhất 9 người tại Mỹ.

Mới đây, theo một thông báo từ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra, thì phẫu thuật nâng ngực có nguy cơ dẫn đến một dạng ung thư hiếm gặp. Và từ năm 2011 đến nay, nó đã giết chết 9 mạng người.

Tính đến ngày 1/2/2017, FDA đã nhận được báo cáo về 359 trường hợp ung thư có liên quan đến nâng ngực. Trong đó, những trường hợp tử vong không phải vì ung thư vú, mà vì một dạng ung thư rất hiếm gặp xảy ra trong hệ miễn dịch – Ung thư biểu mô tế bào lớn (anaplastic large-cell lymphoma). Dạng ung thư này phát triển ngay tại khu vực được cấy ghép ở ngực.

Dành cho những người chưa biết, có 2 loại túi độn ngực: bề mặt trơn (smooth) – dành cho người có cơ ngực bình thường, và bề mặt nhám (textured) – dành cho người có cơ ngực chắc khỏe. Và theo ghi nhận từ báo cáo, loại ung thư này thường xảy ra với các trường hợp dùng túi bề mặt nhám. Cụ thể, trong số 359 trường hợp, có 231 cung cấp thêm thông tin về loại túi ngực sử dụng, thì tới 203 là dùng túi bề mặt nhám.

FDA xác nhận: túi nâng ngực mang nguy cơ gây một dạng ung thư hiếm gặp - Ảnh 1.

Túi nhám (trái) và túi trơn

Về cơ bản, dạng ung thư này không phải là quá nguy hiểm, có thể chữa trị và ít khi gây chết người. Với các trường hợp ung thư phát triển do nâng ngực, chỉ cần phẫu thuật tách túi và loại bỏ các mô bị tổn thương. Cũng có trường hợp nặng cần đến hóa trị và xạ trị, nhưng không nhiều.

Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề rất nghiêm trọng, vì bệnh nhân sẽ không biết mình mắc phải, cho đến khi xuất hiện một số triệu chứng như mọc u, ngực sưng lên đau đớn, tích nước… Hơn nữa, chúng ta sẽ không thể biết được cụ thể có bao nhiêu người đang mắc, do có quá ít trường hợp báo cáo lại, và thông tin kinh doanh không được cung cấp đầy đủ.

Ví dụ như tại Mỹ, riêng năm 2016 đã có 290.000 phụ nữ thực hiện phẫu thuật nâng ngực, cùng hơn 109.000 trường hợp dùng túi ngực sau khi phẫu thuật điều trị ung thư vú (số liệu từ Hiệp hội Phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ). Trong khi đó, rất ít trường hợp báo lại về căn bệnh ung thư hiếm gặp kia.

FDA xác nhận: túi nâng ngực mang nguy cơ gây một dạng ung thư hiếm gặp - Ảnh 2.

Lý do vì sao túi ngực tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư vẫn chưa được tìm ra, nhưng các chuyên gia đặt ra giả thuyết rằng cơ thể người phản ứng với loại túi có bề mặt nhám mạnh hơn so với loại có bề mặt nhẵn.

Theo Alex K. Wong – bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và là nhà nghiên cứu tại ĐH Nam California: “Khi tách túi bề mặt nhám, bạn sẽ cảm thấy mình như đang bóc một thứ rất chặt. Trong khi với túi trơn, nó giống như tách một miếng thạch vậy, rất dễ dàng”.

Bác sĩ Wong đã thực hiện một số thí nghiệm trên chuột, và kết quả cho thấy hoạt động gene của chúng có sự khác biệt khi tiếp xúc với 2 loại túi độn ngực.

“Chúng tôi đang lý giải vì sao bề mặt túi lại gây ảnh hưởng như vậy, có thể là do nhiễm khuẩn nữa” – Wong cho biết.

Theo chuyên gia từ FDA, các bác sĩ cần đưa khả năng ung thư trong điều trị cho bệnh nhân, nếu ngực người bệnh bắt đầu bất ổn sau một thời gian nâng.

Tuy nhiên, họ cũng cho rằng nếu như chưa có vấn đề gì, bệnh nhân không cần thiết phải gỡ bỏ túi, vì loại ung thư này rất hiếm gặp. Nhìn chung, sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn để có một kết luận chính xác về việc nên hay không nên tiếp tục sử dụng túi ngực.

Nguồn: Telegraph
Theo: Kenh14

BÌNH LUẬN