Bên cạnh khởi nghiệp công nghệ, xu hướng khởi nghiệp nông nghiệp đang bắt đầu được nhiều người trẻ tại TP HCM quan tâm hơn.

Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin nhưng sau 4 năm làm trong lĩnh vực này, Nguyễn Thị Hiếu bị thoái vị đĩa đệm cột sống. Chia tay nghề vì sức khỏe không đảm bảo, nhờ cơ duyên từ bạn bè nên chị Hiếu bắt đầu đi học trồng nấm. Đến 2013, bị chính thức lập trang trại tại Củ Chi để khởi nghiệp. Sau 5 năm, chị đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn vay bạn bè, ngân hàng… vào dự án và bắt đầu kinh doanh có lãi.

Một trường hợp khác là Lê Minh Vương – Nhóm trưởng nhóm Thế hệ ưu tú. Mới ra trường và đi làm công không bao lâu, Vương tích cóp được 3 tháng lương để hùn vốn trồng dưa lưới. Thế nhưng, lần khởi nghiệp đầu tiên thất bại hoàn toàn vì đợt canh tác của Vương trùng ngay dịp mưa quá nhiều. Mất hết tiền dành dụm, anh vẫn cùng một nhóm bạn lao vào nghiên cứu sản xuất phân trùn quế.

“Dự án tiếp theo của mình và nhóm là tour du lịch sinh thái nông nghiệp cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất các loại phân sạch từ trùn quế. Bởi vì nếu muốn người tiêu dùng hiểu rõ sản phẩm, có được niềm tin thì hãy để cho họ tận tay sờ, tận mắt thấy, tận tai nghe về những mô hình trực tiếp trồng bằng loại phân này”.

song-khoi-nghiep-nong-nghiep-lan-rong-tai-tp-hcm

Nông sản sạch, ứng dụng công nghệ cao đang là ấp ủ của nhiều người. Ảnh: Viễn Thông

Bên cạnh khởi nghiệp công nghệ thì khởi nghiệp nông nghiệp không còn ấp ủ lẻ tẻ của vài người. Tại TP HCM, làn sóng này đã bắt đầu hình thành trong thế hệ trẻ. Diễn đàn Khởi nghiệp Nông nghiêp do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM vừa diễn ra cách đây ít ngày. Ban tổ chức mời chưa đến 400 người nhưng thực tế có khoảng hơn 500 khách đến tham dự, chủ yếu là thanh niên.

“Mấy năm trước, khi làm sự kiện về nông nghiệp thì lác đác vài bạn trẻ tham gia. Nhưng giờ đông thế này là chúng tôi rất vui mừng”, ông Nguyễn Hải An – Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao chia sẻ. Ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinamit cũng tỏ ra bất ngờ. “Hồi xưa, lúc tôi còn trẻ, khi nghe hoạt động gì liên quan đến nông nghiệp là mọi người biến mất ngay, thanh niên bỏ đồng ruộng ra thành thị hết”, ông Viên kể lại.

Ông Trần Tấn Quý – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP HCM nhận xét, khởi nghiệp nông nghiệp tại TP HCM đang thuận lợi. Ngành nông nghiệp Thành phố chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu của người dân. Trong khi đó, người muốn làm nông cũng dễ dàng tiếp cận các công nghệ mới vì nơi đây có các trung tâm về kỹ thuật nông nghiệp hàng đầu cả nước như: Trung tâm công nghệ sinh học, Khu nông nghiệp công nghệ cao… Nhiều nhà đầu tư cũng đang dòm ngó các dự án tiềm năng.

“Nền nông nghiệp thành phố đang thực hiện đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, đặt vấn đề giá trị gia tăng cao. So với các khu vực thì giá trị tạo ra trên một hécta đất của chúng ta rất lớn, có loại cây tạo giá trị trên một tỷ đồng một năm. Bình quân một hécta đất chúng ta tạo ra 400 triệu đồng doanh thu. Chúng ta không ngại diện tích đất hẹp dần. Hiện có nhiều nhà đầu tư đang đầu tư vào các lĩnh vực này”, ông Quý nói, đồng thời cho rằng khởi nghiệp nông nghiệp cũng đang đối diện nhiều khó khăn là: vệ sinh an toàn thực phẩm, sự cạnh tranh của nông sản ngoại và tình trạng biến đổi khí hậu.

“Xu hướng hôm nay của thế giới là người ta muốn có một loại thực phẩm tốt cho sức khoẻ, sắc đẹp và sống lâu. Thị trường Việt Nam cũng đang mong đợi xu hướng này, nhưng sản phẩm của chúng ta chưa thỏa mãn được”, ông Viên nói thêm. Cũng theo vị này, khởi nghiệp nông nghiệp tiên quyết là phải chú ý đến thị trường trước khi làm. “Trồng rau, trồng nấm, trồng chuối gì thì nó như hàng hoá vậy. Bán không được là thành rác rồi. Do vậy khi làm, đầu tiên là có người bán cho bạn đã. Chúng ta phải làm kinh doanh có kế hoạch, có bạn hàng.”

Bản thân chị Hiếu cũng thừa nhận, việc tìm thị trường không dễ dàng. Hiện nay sản phẩm của chị cũng bán chủ yếu qua các thương nhân Việt kiều. Hay như trường hợp của Mimosa Tek, ông Nguyễn Khắc Minh Trí – CEO công ty này cho biết, giải pháp của công ty cũng chỉ mới tiếp cận với các khách hàng là doanh nghiệp nông nghiệp. Riêng các hộ vừa canh tác vừa làm chủ kiểu truyền thống thì vẫn khó tiếp cận.

Theo mục tiêu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM, đến năm 2020, thành phố sẽ có khoảng 1.500 doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động. Kế hoạch này phụ thuộc khá lớn vào lực lượng thanh niên khởi nghiệp trong lúc lao động ngành này đang bị già hóa.

Viễn Thông

BÌNH LUẬN