Trẻ nên ăn đủ tinh bột; ăn vừa phải đạm và chất béo; hạn chế muối và đường; dùng nhiều rau củ quả giàu vi chất để hỗ trợ chuyển hóa trong cơ thể.
Dinh dưỡng bữa ăn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các bà mẹ có con còi cọc hoặc béo phì. Số lượng và chất lượng các loại thực phẩm thường được mẹ cân đo, đong đếm chi tiết. Song không phải phụ huynh nào cũng nắm được khẩu phần ăn cân bằng dinh dưỡng cho con, trẻ có thể thừa hoặc thiếu chất, ảnh hưởng đến đà phát triển về sau.
Ăn thiếu chất là một trong những nguyên nhân khiến trẻ suy dinh dưỡng. Khảo sát năm 2014 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, khẩu phần ăn mất cân đối khiến 15% trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân; 25% trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi. Ngoài ra, trẻ ăn thiếu chất còn mắc các bệnh biếng ăn, suy giảm khả năng miễn dịch, viêm da…
Trong khi đó, trẻ thừa cân béo phì chủ yếu do dư thừa dinh dưỡng, khẩu phần năng lượng hấp thu qua bữa ăn vượt quá mức năng lượng tiêu hao. Phần năng lượng dư thừa được chuyển thành mỡ, tích lũy trong các bộ phận cơ thể, về lâu dài sẽ khiến trẻ rối loạn hormone tăng trưởng, viêm xương khớp, tim mạch…
Nghiên cứu năm 2013 của Viện Nghiên cứu Y Xã hội học cho thấy, có đến 30% bà mẹ Việt không biết con mình thừa cân. 15% phụ huynh có con béo phì vẫn muốn bé tiếp tục tăng cân. Tại các thành phố lớn, tỷ lệ trẻ béo phì chiếm đến 6%. Nhiều trẻ dư cân nhưng thiếu chất (sắt, canxi…), xếp vào hàng suy dinh dưỡng thể béo phì hoặc còi xương thể bụ.
Tháp dinh dưỡng cho bé 1-3 tuổi. |
Tính cân bằng của khẩu phần ăn được quyết định bởi hàm lượng 4 nhóm chất: protein, lipid, đường bột, vitamin và khoáng chất. Trong đó, nhóm đạm, tinh bột và chất béo có vai trò bổ sung năng lượng, tái tạo cơ bắp. Nhóm vitamin và khoáng chất có trong thực phẩm, rau củ hỗ trợ các phản ứng chuyển hóa trong cơ thể trẻ hoạt động tốt hơn.
Nhiều mẹ cho rằng trẻ ăn càng nhiều chất béo càng tốt. Tuy nhiên, chất béo dù cần thiết cho cơ thể bé nhưng lại khó tiêu hóa, đặc biệt là với trẻ suy dinh dưỡng, chức năng đường ruột kém. Tinh bột, rau củ, hoa quả nên ăn đủ; thịt cá ăn vừa phải; song chất béo nên ăn có mức độ, dưới 50g mỗi ngày.
Mẹ cũng cần lưu ý cách chế biến thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ, nhằm đảm bảo khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Trẻ 1-3 tuổi nên hạn chế ăn muối và đường. Khẩu phần ăn cần kết hợp ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm cơ bản để đảm bảo đủ dinh dưỡng, hấp dẫn khẩu vị.
Khi bữa ăn đa dạng và cân đối, trẻ sẽ có nguồn năng lượng lành mạnh để tăng trưởng thể lực, phát triển trí não và nâng cao miễn dịch.
An San
Theo VN Express