Với 4 lần khởi nghiệp và 3 lần thất bại, CEO&Founder MOG cho rằng với mỗi startup, việc nỗ lực mỗi ngày của những người tham gia mới là yếu tố đảm bảo thành công của dự án.

Chia sẻ với VnExpress về khởi nghiệp, ông Trần Anh Dũng – CEO&Founder MOG cho biết từng có 4 lần lập hoặc tham gia các dự án khởi nghiệp nhưng có đến 3 lần thất bại.

– Từng có những kinh nghiệm phong phú về khởi nghiệp, theo ông, thách thức lớn nhất mà một startup phải đối mặt là gì?

– Thách thức đầu tiên theo tôi là chọn hướng đi. Công nghệ thì có vô vàn hướng, chỉ cần đi sai một lần có thể phải từ 3-5 năm mới phát hiện ra cái sai ấy thì rất mất là thời gian. Mà thời gian cũng chính là cơ hội, khi thất bại rồi nhuệ khí còn giảm đi rất nhiều, không có đủ dũng cảm để khởi nghiệp lại. Hướng đi nào bạn có thể làm tốt và sáng tạo nhất cũng như thị trường chưa có đối thủ quá lớn. Tuy nhiên, tôi cho rằng ý tưởng chỉ đóng góp khoảng 1% cho sự thành công của các dự án.

Ông Trần Anh Dũng, CEO& Founder MOG cho rằng, ý tưởng chỉ đóng góp 1% thành công cho các dự án startup. Ảnh: MOG
Ông Trần Anh Dũng, CEO& Founder MOG cho rằng, ý tưởng chỉ đóng góp 1% thành công cho các dự án startup. Ảnh: MOG

Tiếp theo là việc chọn người đồng hành. Điều này thường không dễ bởi không mấy người có thể tự mình làm hết một dự án từ đầu đến cuối, vừa giỏi công nghệ, tài chính, nhân sự…

Và một trong những thách thức rất lớn là phải làm tốt công việc mỗi ngày. Với một startup, sự nỗ lực từng ngày quyết định dự án thành công hay thất bại. Giả sử có 2 dự án làm một mô hình, chất lượng nhóm cộng sự đồng đều nhưng nếu một bên luôn thay đổi, cải tiến liên tục, còn một bên thì cứ rong ruổi. Giống như một cuộc chạy đua, một thời gian sau càng ngày khoảng cách giữa 2 bên càng xa và khi nhận ra điều đó thì rất khó để lật ngược thế cờ.

Hầu hết những gì chúng ta làm ở Việt Nam thì trên thế giới đều có rồi. Điều quan trọng là cần thực hiện các mô hình đó sớm nhất, thông minh nhất, hiệu quả nhất và cố gắng đạt được quy mô lớn nhất, do đó nỗ lực cải tiến, sáng tạo mỗi ngày rất quan trọng.

Năm 2011, ông Trần Anh Dũng – CEO&Founder MOG thành lập mWork chuyên cung cấp nền tảng tiếp thị với 5 nhân sự. Ra đời đúng thời điểm, startup đã có được sự tăng trưởng và phát triển tốt. 4 năm sau, mWork đã đổi tên thành MOG và tham gia vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau trong ngành internet cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho người dùng di động. 5 loại sản phẩm chính của công ty gồm quảng cáo online, thanh toán điện tử & ví điện tử, tiện ích di động, giải trí game, và kết nối bán lẻ với số lượng nhân viên hiện nay là hơn 300 người. 

– Khi khởi nghiệp, theo ông một cá nhân cần cân nhắc những yếu tố gì?

– Cá nhân đó nên suy nghĩ xem mình có lý tưởng đủ lớn để theo đuổi lĩnh vực đó hay chỉ là sở thích tức thời. Bởi vì khởi nghiệp đến một thời điểm nào đó sẽ rất khó khăn, nếu không đủ đam mê thì sẽ bỏ cuộc ngay. Tiếp theo là xem xét cơ hội, môi trường kinh doanh, hiểu biết, mối quan hệ trong lĩnh vực đó – yếu tố được coi là nền tảng, địa thế để thắng trận, và cuối cùng là vấn đề cộng sự, nhân sự đồng hành.

– Bản thân ông có thể chia sẻ gì về câu chuyện khởi nghiệp của mình?

– Tôi từng thực hiện hoặc tham gia vào 4 dự án khởi nghiệp, trong đó 3 dự án về công nghệ. Và trong 4 lần thì có đến 3 lần thất bại. Về mặt kinh doanh rõ ràng đó là sự thất bại nhưng lại là thành công về trải nghiệm giúp tôi trưởng thành hơn khi khởi nghiệp lại và xây dựng nền móng MOG vào năm 2011 cũng như kinh nghiệm điều hành công ty hiện nay.

– Trong 3 lần khởi nghiệp thất bại thì giai đoạn nào là khó khăn nhất?

– Giai đoạn khó khăn nhất của tôi không phải là lúc bắt đầu hay giữa các thất bại mà là thời điểm năm 2014, khi tôi phải sắp xếp lại các dự án trở thành một khối trong công ty hiện tại. Với một startup, nếu phát triển được thì đến một giai đoạn nào đó mô hình cũ sẽ trở nên chật chội, không bao quát được toàn bộ hoạt động mở rộng sau này. Nếu không tái cơ cấu thì doanh nghiệp dễ chết vì đông quá và không có tính tổ chức. Thông thường trải qua khoảng 3-5 năm thì một startup sẽ phải làm điều này.

Với 300 người, đòi hỏi việc hoạt động phải theo tính hệ thống, có bài bản, quy trình để đảm bảo tính ổn định và đánh những trận lớn. Việc cấu trúc lại toàn bộ doanh nghiệp có thể khiến một người ở vị trí này sẽ bị đổi vai khác. Nó khác hẳn với câu chuyện khởi nghiệp ban đầu là anh em quây quần vui vẻ để làm cùng nhau nên khi sắp xếp lại sẽ không dễ dàng gì.

– Ông làm gì để đưa doanh nghiệp của mình vượt qua giai đoạn này?

– MOG mất 1,5 năm để trải qua giai đoạn này. Tôi có may mắn là trước khi startup từng vận hành doanh nghiệp đủ lớn nên hiểu nguyên lý, nguyên tắc và tập trung vào điểm gì để giải những bài toán đó. Để tránh gây ra những xáo trộn lớn và gây sốc trong hệ thống thì nên có sự phân cấp rõ ràng và thay đổi một cách từ từ để mọi người dần chấp nhận nó.

“Startup Việt – Sải bước thành công” là chương trình bình chọn 18 startup Việt Nam nổi bật trong năm do Báo VnExpress tổ chức, góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, vinh danh những mô hình kinh doanh đột phá, phát triển bền vững và hữu ích về kinh tế – xã hội.

Hiện danh sách 30 startup triển vọng đã được công bố trên website của chương trình để chon ra 18 ứng viên tốt nhất. Mỗi startup trong top 18 sẽ nhận một gói truyền thông miễn phí trị giá 100 triệu đồng trên hệ thống Báo VnExpress hoặc Ngoisao.net, thời hạn sử dụng trong năm 2017.

Startup có phần thuyết trình trực tiếp xuất sắc trong đêm chung kết, ngoài danh hiệu và kỷ niệm chương “Startup Việt 2016”, Startup của năm sẽ nhận gói truyền thông miễn phí trị giá 500 triệu đồng trên hệ thống Báo VnExpress hoặc Ngoisao.net, thời hạn sử dụng trong năm 2017.

Theo vnexpress.net

BÌNH LUẬN