Theo số liệu của Kantar Worldpanel, mì 3 Miền đã vượt qua hàng loạt thương hiệu khác như Gấu đỏ, Hảo Hảo, Kokomi để chiếm vị trí số 1 trong mắt người tiêu dùng khu vực nông thôn.

Trong khi người Việt ngày càng chán mì ăn liền, tại sao 3 Miền của Uniben vẫn bán chạy bỏ xa Kokomi, vượt mặt Hảo Hảo chiếm thị phần số 1 nông thôn?

Thị trường mì ăn liền những năm gần đây đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn hơn trong việc ăn uống. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội mì ăn liền thế giới, nhu cầu mì tại Việt Nam đã lập đỉnh 5,2 tỷ gói vào năm 2013, sau đó giảm xuống chỉ còn 4,8 tỷ gói vào năm 2015, bằng với năm 2010.

Năm 2016 vừa qua, thị trường đã có chút khả quan hơn khi con số tăng nhẹ lên 4,92 tỷ gói.

Với đặc trưng của mình, sản phẩm mì gói theo thời gian sẽ dần dịch chuyển về khu vực nông thôn, nơi có thu nhập thấp, chứ không gắn bó lâu dài với thành thị.

Vì vậy, các doanh nghiệp mì gói cũng xác định, khu vực nông thôn mới là thị trường cạnh tranh chính. Các số liệu thống kê cũng chỉ ra rằng, thị trường nông thôn là nơi tiêu thụ hơn 80% sản lượng.

Trong khi người Việt ngày càng chán mì ăn liền, tại sao 3 Miền của Uniben vẫn bán chạy bỏ xa Kokomi, vượt mặt Hảo Hảo chiếm thị phần số 1 nông thôn? - Ảnh 1.

Tân binh đánh bật thị phần số 1 của Hảo Hảo

Còn nhớ vào tháng 7 năm ngoái, công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel công bố thông tin gây bất ngờ cho nhiều người: một công ty mì “vô danh” đã bất ngờ vượt qua thị phần của Masan ở khu vực nông thôn trong nửa đầu năm 2016. Công ty đó là Uniben, đang nắm trong tay thương hiệu chủ lực mì “3 miền”.

Theo thống kê tại thời điểm đó, mì “3 miền” của Uniben và “Hảo Hảo” của Acecook là hai dòng sản phẩm được ưa chuộng nhất với tổng thị phần trên 50%.

Trong khi người Việt ngày càng chán mì ăn liền, tại sao 3 Miền của Uniben vẫn bán chạy bỏ xa Kokomi, vượt mặt Hảo Hảo chiếm thị phần số 1 nông thôn? - Ảnh 2.

6 tháng đầu năm 2017, báo cáo mới đây nhất của Kantar Worldpanel trên cả nước (trừ khu vực 4 thành phố lớn Hà Nội, Tp.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng) chỉ ra rằng, nhãn hiệu 3 Miền tiếp tục tăng trưởng và là nhãn hiệu có thị phần dẫn đầu, xét về giá trị là 22,7% (tăng 1,6%), còn xét về sản lượng là 27,1% (tăng 1,9%).

Đặc biệt ở phân khúc trung cấp (giá 3.500VND/gói) , mì 3 Miền GOLD tiếp tục tăng trưởng hơn 3% trong 6 tháng đầu năm 2017.

Mì 3 miền bán chạy là lực đẩy giúp Uniben tăng trưởng 1,5% về thị phần giá trị đạt 23,1% và tăng thêm 2% thị phần sản lượng đạt 27.4%. Dù chưa có số liệu của Acecook nhưng có thể ước tính Uniben cùng với Acecook vẫn là 2 công ty đang dẫn đầu về thị phần mì gói tại khu vực nông thôn.

Thậm chí, nếu Acecook tiếp tục giữ vừng đà tăng trưởng “thụt lùi” như 3 năm qua, thì không loại trừ khả năng họ đã bị Uniben soán ngôi số 1 ngay trong 6 tháng đầu năm 2017.

Số liệu của tổ chức thống kê này cũng cho thấy, mì 3 Miền đang là thương hiệu có điểm số tiếp cận người tiêu dùng cao thứ 2 trên thị trường khu vực nông thôn, chỉ sau Nam Ngư. Mì 3 Miền vượt qua hàng loạt thương hiệu mì ăn liền khác như Gấu Đỏ của Asiafoods, Hảo Hảo của Acecook, Kokomi của Masan.

Kantar Worldpanel cho biết, 63% các hộ gia đình khu vực nông thôn có sử dụng mì 3 Miền giúp thương hiệu này tăng trưởng 17% trong năm qua, mức tăng trưởng mạnh nhất trong top 10. Thương hiệu này đã thu hút được 1,5 triệu người dùng mới trong năm qua,

Trong khi người Việt ngày càng chán mì ăn liền, tại sao 3 Miền của Uniben vẫn bán chạy bỏ xa Kokomi, vượt mặt Hảo Hảo chiếm thị phần số 1 nông thôn? - Ảnh 3.

Top 10 thương hiệu thực phẩm lớn nhất tại thành thị và nông thôn. Nguồn: Kantar Worldpanel

Nhờ sản phẩm chủ lực mì 3 Miền, Uniben những năm gần đây liên tiếp trở thành 1 trong 10 công ty thương hiệu được biết đến nhiều nhất khu vực nông thôn. Vị trí của Uniben năm 2015 là thứ 8 và sang năm 2016 vừa qua đã nhảy lên vị trí thứ 6.

Không chỉ có mì 3 Miền cho khu vực nông thôn, Uniben còn phát triển nhiều sản phẩm tiêu dùng khác, như Reeva phục vụ xuất khẩu, hay hạt nêm 3 Miền.

Bí quyết thành công Uniben là gì?

Uniben tiền thân là Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Việt Hưng, được thành lập vào tháng 6/1992. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Việt Hưng đã chủ yếu sản xuất mì ăn liền cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Từ năm 2003 công ty xây dựng thương hiệu mì 3 Miền ở thị trường nội địa. Đến năm 2012, công ty đã cho ra mắt thương hiệu Reeva cung cấp cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thế nhưng, suốt khoảng thời gian này, thương hiệu mì của Việt Hưng chưa được nhiều người biết tới do không tập trung vào marketing.

Năm 2014 công ty chính thức đổi tên thành công ty UNIBEN và chỉ trong hơn 2 năm đã vươn lên vị trí số 2 trên thị trường, vượt qua Masan.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo của Uniben cho rằng, công ty thành công nhờ xác định ngay từ đầu, định vị rõ sản phẩm nào vươn ra thế giới, sản phẩm nào bán ở nội địa. Công ty cũng xác định tầm quan trọng của marketing và ngay từ đầu đã thực hiện tương đối đồng đều cả 4 yếu tố cơ bản của marketing là 4P: Product (sản phẩm), Price (Giá), Promotion (xúc tiến thương mại hay truyền thông), Place (Kênh phân phối) chứ không chỉ tập trung vào một hay hai yếu tố như các hãng khác.

Đặc biệt ở hai chữ P đầu tiên, Uniben đang đa dạng hóa cùng lúc nhiều dòng sản phẩm của Ba miền (như mì bò, mì chua cay…), và đặt mức giá bình dân là 3.500 đồng/gói.

“Khi mình làm việc với người tiêu dùng Việt Nam, trên thị trường Việt Nam, với nền kinh tế Việt Nam hiện tại thì sản phẩm phải có giá hợp lý. Mình không nói giá rẻ mà mình nói ‘hợp lý’ vì giá thành rất quan trọng”, ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, giám đốc Marketing Uniben chia sẻ.

Cũng theo ông Luân, hiện nay quảng cáo chiếm tới hơn 60% tổng chi phí marketing và bán hàng của đơn vị này. Không những thế, chi phí này bắt buộc phải tăng theo thời gian nếu muốn chiếm được thị phần.

Trong khi người Việt ngày càng chán mì ăn liền, tại sao 3 Miền của Uniben vẫn bán chạy bỏ xa Kokomi, vượt mặt Hảo Hảo chiếm thị phần số 1 nông thôn? - Ảnh 4.

Hiện Uniben có 150 nhà phân phối trên cả nước, sản phẩm xuất hiện trên 500 siêu thị, 100 nghìn cửa hàng. Nếu so với các hãng khác thì độ phủ chỉ khoảng 50-60% nhưng sản phẩm vẫn tiếp cận các hộ gia đình mà không tốn quá nhiều chi phí bán hàng, do đó sản phẩm cũng sẽ có mức giá “dễ chịu”hơn.

Ông Luân cho biết doanh nghiệp cố gắng duy trì tăng trưởng ở mức 25-30%/năm, chứ không tăng trưởng nóng, hướng tới tăng trưởng bằng mọi giá. Doanh thu của Uniben hiện đã vượt mức 100 triệu USD.

Từ tháng 7/2016 vừa qua, Uniben đã tăng vốn gấp hơn 2 lần, từ 400 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng. Trong đó, Uniben Holdings của Singapore nắm gần 35% vốn. Với vốn điều lệ gần nghìn tỷ, năng lực cạnh tranh của Uniben sẽ tiếp tục tăng cao trên thị trường, đe dọa vị trí số 1 của Acecook.

Sau khi tăng vốn, Uniben đã đưa nhà máy mới tại khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên) đi vào hoạt động. Nhà máy được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, tự động hóa gần như hoàn toàn, khi hoạt động hết công suất có thể cung cấp trên 1,2 tỷ đơn vị sản phẩm mỗi năm, đáp ứng cho cả nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

Tháng 10/2016 vừa qua, Uniben tiếp tục thể hiện rõ quyết tâm tấn công mạnh mẽ vào thị trường mì ăn liền trong nước một cách bài bản và dài hơi, khi khởi động dự án hợp tác với FPT Software triển khai Hệ thống Quản lý phân phối (DMS).

Với mong muốn truyền tải nhiều hơn nữa các bài học kinh doanh hay và hữu ích, chúng tôi xin đón nhận tất cả đóng góp thông tin từ độc giả gần xa về các tấm gương điển hình trong kinh doanh, hoặc chia sẻ từ chính Doanh nghiệp có câu chuyện kinh doanh hay, cách làm độc đáo, lối tư duy sáng tạo và văn hóa kinh doanh văn minh.

Doanh nghiệp và quý độc giả có các thông tin chi tiết hoặc bài viết hay muốn chia sẻ rộng rãi, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email info@cafebiz.vn . Ban biên tập sẽ xác minh, chọn lựa và đăng tải các câu chuyện hay và thú vị. Rất mong sớm nhận được phản hồi từ doanh nghiệp và quý vị độc giả .

Hà My

Theo Trí Thức Trẻ

BÌNH LUẬN