Bình Thuận được coi là “thủ phủ” trồng thanh long của cả nước với tổng diện tích trên 29.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình…, sản lượng hàng năm đạt gần 600.000 tấn (chiếm khoảng 80% của cả nước). Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Bình Thuận đang tích cực triển khai nhiều biện pháp, nhằm tìm hướng đi bền vững cho cây thanh long.

Thanh long được xếp vào nhóm 12 cây ăn quả chủ lực của Việt Nam và là 1 trong 9 loại cây trồng chủ lực của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Trong những năm qua, diện tích và sản lượng thanh long của tỉnh Bình Thuận đã không ngừng tăng nhanh. Cụ thể: năm 2017, diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh là 27.757ha, tăng 17.095ha so với năm 2008 và tăng 726ha so với năm 2016; sản lượng thu hoạch đạt 540.252 tấn, tăng 304.184 tấn so với năm 2008 và tăng 22.127 tấn so năm 2016; năng suất đạt 21 tấn/ha. Từ năm 2008 đến năm 2017, diện tích thanh long Bình Thuận tăng liên tục. Sau 10 năm đã tăng trên 308 %, sản lượng tăng trên 376%.

san xuat thanh long sach an toan de phat trien ben vung

Phát triển các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất thanh long theo chuỗi giá trị

Để mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long, Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ thanh long trong và ngoài nước như: tổ chức các hoạt động kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ trái thanh long, đặc biệt là tập trung đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất thanh long theo chuỗi giá trị và coi đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, ngành đã tăng cường vận động các doanh nghiệp làm đầu tàu tham gia chuỗi liên kết thanh long trên địa bàn tỉnh, vận động các doanh nghiệp cùng Hợp tác xã tham gia liên kết, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, nhằm xây dựng chuỗi giá trị thanh long từ sản xuất đến tiêu thụ; những năm qua, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư cho việc hỗ trợ thực hiện chính sách ưu đãi trong liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Chỉ đạo hình thành vùng sản xuất thanh long tập trung, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vùng nguyên liệu ở các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam. Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với chính quyền địa phuơng tuyên truyền thành lập các Hợp tác xã thanh long gắn với xây dựng chuỗi giá trị và sản phẩm chủ lực của địa phương; tính đến nay, toàn tỉnh có 30 Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thu mua và chế biến thanh long. Phần lớn các Hợp tác xã thành lập đều định huớng sản xuất thanh long theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Xây dựng 02 chuỗi giá trị cho các Hợp tác xã thanh long trên 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam và đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động hỗ trợ Hợp tác xã thanh long nâng cao năng lực hoạt động, tìm kiếm mở rộng thị trường.

san xuat thanh long sach an toan de phat trien ben vung

Sản xuất sạch, an toàn

Hiện nay, yêu cầu của thị trường về chất lượng hàng hóa nông sản và an toàn thực phẩm ngày càng cao; do vậy, để nâng cao giá trị sản phẩm thanh long Bình Thuận, tăng thu nhập của nông dân, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thanh long Bình Thuận thì việc phát triển sản xuất thanh long theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu, bền vững.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thanh long, Sở thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị tập trung triển khai các biện pháp tuyên truyền về an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, qua đó tạo chuyển biến về nhận thức của một bộ phận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản và vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đến tháng 2/2019, toàn tỉnh có hơn 10.000ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhiều nhất ở huyện Hàm Thuận Nam với diện tích gần 6.000ha. Ngoài ra, diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên địa bàn toàn tỉnh có 264 ha, cụ thể: Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu 200ha, Trang trại Thanh Thanh (09 ha), Doanh nghiệp tư nhân Rau quả Bình Thuận (18ha), Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến (4ha), Hợp tác xã Hàm Minh 30 (3ha), Trang Trại Kim Hải (30ha) và một số cơ sở đang triển khai thực hiện sản xuất theo GlobalGAP như Hợp tác xã thanh long Nam Thuận Việt, Trang Trại Thuận Quý.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại lớn làm trung tâm liên kết, mở rộng sản xuất kinh doanh. Năm 2018 toàn tỉnh có 07 cơ sở thu mua, đóng gói thanh long xây dựng chương trình Quản lý chất lượng tiên tiến (04 cơ sở được chứng nhận VietGap, 03 cơ sở được chứng nhận HACCP). Qua công tác xây dựng, kết nối mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chứng nhận HACCP đã hỗ trợ các cơ sở lấy mẫu kiểm nghiệm, xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, cấp giấy xác nhận sản phẩm thuộc chuỗi, hỗ trợ bảng tuyên truyền, cấp 60.000 tem điện tử QRcod để nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ngoài ra, để tiến tới việc kiểm tra truy xuất nguồn gốc các lô hàng thanh long đưa vào sản xuất. Bước đầu, đã hướng dẫn các cơ sở thu mua, đóng gói thanh long ký cam kết với các vùng trồng đã được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP… để theo dõi, truy xuất nguồn gốc đầu vào của sản phẩm.

Để phát triển bền vững

san xuat thanh long sach an toan de phat trien ben vung

Hiện nay việc sản xuất và tiêu thụ thanh long Bình Thuận vẫn còn một số khó khăn nhất định: hệ thống phân phối thanh long còn nhiều bất cập, chủ yếu theo kênh truyền thống, người nông dân tự sản xuất và tìm đầu mối tiêu thụ; thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long an toàn vẫn chưa được ổn định, chưa gắn kết thị trường nên giá sản phẩm không cao hơn so với sản phẩm sản xuất bình thường, do đó chưa khuyến khích được người dân tham gia sản xuất thanh long an toàn; hiệu quả công tác xúc tiến thương mại chưa cao, chưa mở rộng được việc xuất khẩu chính ngạch vào thị trường các nước.

Với thực tế như hiện nay, Bình Thuận cần phải tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để phát triển thanh long bền vững. Theo đó, cần tiếp tục vận động, tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; triển khai đồng bộ từ khâu sản xuất đến cơ sở đóng gói, sơ chế, bảo quản để chủ động phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, từng bước phát triển sản xuất thanh long theo hướng GlobalGAP để mở rộng thị trường châu Âu. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, tập trung vào các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với ngành hàng thanh long.

Về chế biến và tiêu thụ, cần đa dạng hóa sản phẩm chế biến tiêu thụ, chú trọng khai thác thị trường nội địa và xuất khẩu. Có giải pháp giữ gìn, bảo vệ và phát huy chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” đối với sản phẩm thanh long để nâng cao uy tín thanh long Bình Thuận; làm tốt công tác dự báo thị trường trong nước và xuất khẩu; quan tâm đầu tư khâu bảo quản, chế biến để kéo dài thời gian bảo quản quả tươi phục vụ xuất khẩu và đa dạng hóa sản phẩm chế biến, giảm áp lực tiêu thụ trái tươi; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại để quảng bá thanh long Bình Thuận phục vụ tốt cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu…

Theo Congthuong.vn

BÌNH LUẬN