Hiện tại, tỉnh Đồng Nai đang ra sức phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi.
Thời gian gần đây, khi một số tỉnh phía Bắc đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, tại Đồng Nai, các ngành chức năng và người chăn nuôi đã có động thái xử lý, ngăn chặn dịch bệnh này.
Để ghi nhận tình hình này, chúng tôi đã về những khu vực có số lượng đàn lợn lớn nhất trong tỉnh Đồng Nai là Thống Nhất, Xuân Lộc, Trảng Bom,… Tại đây, chúng tôi nhận thấy người dân theo dõi, nắm bắt tình hình về dịch tả lợn châu Phi để kịp thời ứng phó.
Bà Nguyễn Thị Linh, ngụ huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) cho biết, gia đình bà nuôi gần 2000 con lợn thịt và lợn nái. Sau khi biết được thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, bà và gia đình đã ra nhiều phương án phòng chống dịch bệnh này.
Theo đó, những người trong gia đình bà thường xuyên phun, xịt thuốc khử trùng chuồng trại, không cho người lạ tiếp xúc với chuồng lợn. Đặc biệt gia đình bà không cho lợn ăn thức ăn không có nguồn gốc mà cho sử dụng thức ăn của những công ty uy tín để hạn chế dịch bệnh.
“Qua tìm hiểu thì đây là loại dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm, lợn mắc dịch này sẽ chết, điều này khiến tôi và người chăn nuôi đang rất lo lắng. Sau một năm giá lợn khởi sắc, chúng tôi đang vực lại kinh tế thì lại xảy ra dịch này, thật sự rất sợ lại mất hết”, bà Linh sợ hãi nói.
Bà Hoàng Thị Mai (ngụ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cũng cho biết, gia đình bà hiện đang nuôi gần 1000 con lợn thịt. Qua tìm hiểu, bà được biết dịch tả lợn châu Phi lây lan qua đường thức ăn. Trước đây, thỉnh thoảng bà vẫn mua thức ăn dư thừa của các bếp ăn công nghiệp về cho lợn.Tuy nhiên, khi dịch đã xuất hiện, bà quyết định ngừng sử dụng loại thức ăn này, chỉ dùng cám của các doanh nghiệp uy tín; tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh trên đàn lợn để hạn chế tối đa việc mắc dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho đàn lợn gia đình.
“Đàn lợn sẽ chết hết nếu dính dịch tả lợn châu Phi. Như vậy, gia đình tôi sẽ trắng tay. Vì thế để phòng bệnh, tôi sẵn sàng bỏ tiền ra để mua thức ăn đảm bảo, tiêm phòng đầy đủ và cố gắng hạn chế nguy cơ nhiễm hay bùng phát dịch này tại trại của gia đình”, bà Mai nói.
Trong khi đó, ông Phan Mạnh Hùng, Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn (nằm trên Quốc lộ 1A, thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) cho biết, mỗi ngày có khoảng 10 xe chở lợn (số lượng hơn 1.500 con) từ một số tỉnh phía Bắc đi qua trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn để về các tỉnh miền Tây.
Thời gian này, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở nước ta nên trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn đã huy động toàn bộ lực lượng, tăng cường kiểm tra, đảm bảo tất cả lợn qua trạm đều có xuất xứ, nguồn gốc, đã được kiểm dịch và đảm bảo không để lây lan dịch bệnh.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, hiện tại, hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đang theo dõi sát diễn biến của dịch tả lợn châu Phi. Để phòng bệnh, trước mắt, hiệp hội khuyến cáo người chăn nuôi tiềm phòng đầy đủ các loại vắc xin, vệ sinh khử trùng chuồng trại, giữ cho đàn lợn có sức khoẻ tốt; không sử dụng các loại thức ăn trôi nổi trên thị trường, không mua bán lợn chết, mắc bệnh.
Theo chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, số lượng đàn lợn của Đồng Nai khoảng 2,4 triệu con, đứng đầu cả nước. Hiện, tỉnh Đồng Nai cũng ra sức phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, khi nắm thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Hưng Yên và Thái Bình, trong sáng 20/2, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp, đề ra các giải pháp ứng phó khẩn cấp dịch bệnh.
Sắp tới, Đồng Nai sẽ tổ chức hội nghị cấp tỉnh và cấp huyện nhằm cung cấp cho người nuôi lợn giải pháp phòng chống dịch. Cơ quan thú y phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát dịch tễ, nếu phát hiện lợn mắc dịch bệnh có yếu tố bất thường thì lập tức lấy mẫu xét nghiệm. Thành lập thêm một trạm kiểm dịch động vật trên Quốc lộ 20, nhằm kiểm soát việc vận chuyển lợn từ các tỉnh Tây nguyên qua địa bàn Đồng Nai,…
Theo ông Quang, dịch tả lợn châu Phi không có vắc xin phòng bệnh, không có khái niệm chữa trị, 100% lợn mắc bệnh bị chết, tuy nhiên, loại dịch bệnh này hoàn toàn không lây sang người. “Cách phòng trị dịch tả lợn châu Phi hiệu quả nhất là người chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh. Khi phát hiện lợn có biểu hiện bất thường hoặc chết không rõ nguyên nhân thì báo cho cơ quan chức năng,…”, ông Quang nói.
Nguyễn Nhâm
Theo Nguoiduatin.vn