Sau 5 năm, Deliveroo đã trở thành người khổng lồ trong lĩnh vực giao đồ ăn, trực tiếp đối đầu với những đối thủ lớn trong đó có UberEats.
Không giống một các công ty giao đồ ăn khác, thay vì dấn thân vào thị trường takeaway hay giao đồ ăn nhanh thông thường, Deliveroo thâm nhập thị trường giao đồ ăn cao cấp. Ứng dụng giúp các khách hàng có thể ngồi tại nhà hay văn phòng mà vẫn có thể thưởng thức đồ ăn từ các nhà hàng hạng sang. Đồ ăn thường được giao bằng xe đạp. Phương thức kinh doanh của công ty tương tự như mô hình hoạt động của đối thủ UberEats .
Cũng giống như nhiều công ty khởi nghiệp, Deliveroo có một khởi đầu khá trắc trở và đang tìm cách để có thể kiếm được lợi nhuận. William Shu, đồng sáng lập của Deliveroo chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với CNN cho biết: “Tôi là người giao hàng đầu tiên của Deliveroo, tôi làm việc đó từng ngày, trong vòng một năm”. Shu bắt đầu thành lập công ty tại London khi anh nhận ra mình không thể tìm một dịch vụ giao đồ ăn từ các nhà hàng chất lượng cao. Anh quyết định bỏ công việc đầu tư ngân hàng và đến trường học kinh doanh để tìm hiểu thêm về cách mở và vận hành một doanh nghiệp.
Deliveroo được định giá 2 tỷ USD và quy mô hoạt động tại 200 thành phố trên thế giới. Ảnh: The Gurdian |
Shu cho biết vẫn đang đạp xe giao hàng 2 tuần một lần để có thể hiểu hơn về nhu cầu của những người làm công việc này. Anh nhấn mạnh: “Mong muốn hàng đầu của họ là một công việc linh hoạt về mặt thời gian”.
Trong khi các startup kỳ lân – được định giá trên một tỷ USD là rất hiếm ở châu Âu thì Deliveroo đã gọi vốn thành công 2 tỷ USD trong suốt 5 năm qua. Deliveroo đã tuyển dụng 35.000 nhân viên giao hàng, họ thường làm khoảng 12h không liên tục mỗi tuần. Phần lớn nhân viên là những người có nhiều thời gian rảnh và làm nhiều công việc khác nhau.
Bước đường phát triển của Deliveroo hiện nay vẫn đang gặp nhiều thử thách. Đội ngũ nhân viên giao hàng thường bãi công hoặc biểu tình lên án mức phí hoặc lợi nhuận được chia quá thấp. Những công ty có mô hình hoạt động dựa trên các nhân viên bán thời gian Deliveroo, Grab hay Uber cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự.
Dù vẫn chưa có nhiều thay đổi, Shu cho biết anh và đội ngũ của mình vẫn đang tìm giải pháp cho vấn đề này. “Công ty cũng muốn mang đến lợi nhuận cao hơn cho những nhân viên giao hàng, tuy nhiên điều này vẫn phải nằm trong khuôn khổ của một mô hình kinh doanh linh hoạt”.
Mặc dù lợi nhuận của công ty đã tăng vọt trong những năm qua, tăng 611% từ năm 2015 đến 2016, nhưng các khoản lỗ cũng tăng cao. Nguyên nhân là do quá trình mở rộng thị trường ra 12 quốc gia. Theo báo cáo tài chính, công ty đã lỗ 162 triệu USD vào năm 2016.
CEO của Deliveroo, William Shu (ngồi giữa) trong một buổi chia sẻ kinh nghiệm do Techcrunch tổ chức. Ảnh: Forbes |
Hiện nay, Deliveroo đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Theo báo cáo, tỷ lệ lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt khoảng 0,7%. Đây là con số thể hiện tỷ lệ phần trăm doanh thu còn lại của công ty sau khi đã chi trả chi phí sản xuất hàng hóa. Con số này càng cao, công ty hoạt động càng có hiệu quả. Với mức 0,7% cũng đồng nghĩa với việc Deliveroo sẽ phải thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa để cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, theo CEO của Deliveroo, 0,7% của năm 2016 cũng là một bước tiến so với mức âm của năm 2015.
Về chiến lược phát triển của công ty với số tiền gọi vốn qua các vòng, Shu cho biết, công ty sẽ duy trì việc tập trung vào mở rộng quy mô, bao gồm cả việc thâm nhập thị trường Mỹ và xây dựng các nhà bếp riêng cho những đầu bếp tiềm năng với tên gọi Editions. Theo đó, startup này sẽ xây dựng hạ tầng cho các nhà hàng, sau đó bếp trưởng và các đầu bếp sẽ vận hành, Deliveroo tham gia vào việc giao hàng.
Ra mắt vào năm 2013, ứng dụng giao đồ ăn Deliveroo đã trở thành một trong những thương hiệu công nghệ thành công nhất trên thế giới. Hiện nay công ty có phạm vi hoạt động tại 200 thành phố trải dài từ châu Âu, Trung Đông đến châu Á và Australia.
Vi Vũ (Theo CNN, BusinessInsider)
Theo VNExpress