Vở kịch giả tưởng do đạo diễn Nguyễn Sĩ Tiến vừa dàn dựng thể hiện xung đột tinh thần của con người hiện đại khi tìm giá trị sống.

Nội dung vở kịch xoay quanh cuộc tình tay ba giữa Hoàng – Liên – Vân. Họ là những người bạn và chung kỷ niệm về bông cúc xanh trên đầm lầy thuở ấu thơ. Lớn lên, Hoàng trở thành kỹ sư với đầy ắp sáng kiến của nhà điều khiển học. Vân là họa sĩ và yêu Liên – giáo viên.

Sau nhiều năm xa cách, Hoàng không hay biết về mối quan hệ tình cảm giữa Vân – Liên. Anh ôm gấu bông đến nơi Liên làm việc để tỏ tình nhưng bị từ chối. Liên thông báo với Hoàng rằng cô sắp cưới Vân. Đau khổ vì bị cự tuyệt và khao khát chiếm đoạt, Hoàng đã chế tạo ra Vân – Liên phiên bản người máy trong sự hoàn mỹ về phẩm tính. Điều này đã gây ra loạt phiền toái trong cuộc sống của vợ chồng Vân – Liên đời thực.

Từ trái qua: Hoàng (Chí Huy), Vân (Thanh Sơn), Liên (Thu Quỳnh).

Từ trái qua: Hoàng (Chí Huy), Vân (Thanh Sơn), Liên (Thu Quỳnh) trong “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”.

Vì thù hằn, Hoàng đẩy Vân giả xuống hầm, bắt anh làm việc trong bóng tối. Còn Liên giả, Hoàng chiều chuộng nhưng vẫn không chinh phục được trái tim cô bởi bản tính nóng nảy, hay cáu gắt của anh. Liên kéo Vân ra khỏi hầm, tự giải thoát bằng cách chạy trốn khỏi Hoàng. Biết mình chỉ là bản sao, hai người máy tìm đến gia đình Vân với ý muốn tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt của bản thật. Sau đó, cặp người máy đi tìm hoa cúc xanh và chết trong đầm lầy. Mọi việc vỡ lẽ, vợ chồng Vân biết việc làm sai trái của Hoàng. Hoàng ân hận và xin sám hối.

Hoa cúc xanh gắn với giai thoại dân gian: “Ai tìm được bông hoa cúc xanh mọc trong đầm lầy sẽ đạt được ước nguyện hạnh phúc”. Vở kịch đặt ra vấn đề: Đâu là hạnh phúc đích thực mà con người hướng đến? Trong xã hội hiện đại, con người phụ thuộc quá nhiều vào máy móc, trí tuệ nhân tạo dễ khiến cho tâm hồn trống rỗng. Cụ thể, Hoàng vì tham vọng cá nhân, mất lý tính, sử dụng tài năng vào việc làm phi lý. Trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc, anh thay đổi lẽ tự nhiên để tạo ra thế giới huyễn hoặc về cái tốt tuyệt đối. Sự xuất hiện của người máy Vân – Liên khiến cuộc sống càng trở nên phức tạp, thật – giả lẫn lộn. Tình bạn giữa Liên, Vân và Hoàng rạn nứt.

Hoa cúc xanh không chỉ tượng trưng cho lòng tốt và hạnh phúc, nó còn là phần ký ức thuần khiết, trong sáng của nhóm bạn. Hạnh phúc không đâu xa mà nằm chính ở sự trung thực, những điều giản đơn, ước mơ trong sáng và sống lương thiện.

Mặc dù kịch bản được Lưu Quang Vũ viết cách đây hơn 30 năm, đạo diễn Nguyễn Sĩ Tiến khéo léo mang yếu tố đương đại vào tác phẩm mà không mất đi giá trị nguyên bản. Ngoài câu chuyện về tệ nạn quan liêu, một tuần sáu cuộc họp trong cơ quan nhà nước, đạo diễn thêm vào vấn nạn người lái xe ôm “chặt chém” khách. Mở đầu vở kịch là hoạt cảnh diễn viên quần chúng tập thể dục trong công viên trên nền nhạc trẻ, sôi động. Xem vào giữa vở kịch là tình huống cạnh khóe, gây gổ hài hước của nhóm nhân vật khi cùng đợi chuyến tàu.

Giữ tinh thần giả tưởng trong kịch bản gốc, sân khấu dàn dựng theo không gian phòng thí nghiệm với những trang thiết bị ưu việt, phục vụ quá trình nhân bản con người. Để có thể hoán đổi hai vai diễn cùng một lúc, diễn viên Thanh Sơn (thủ vai Vân) và Thu Quỳnh (vai Liên) thay đổi phục trang linh hoạt và thể hiện rõ nét tính cách từng nhân vật.

Vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy được dàn dựng lần đầu vào giữa thập niên 1980 của thế kỷ trước do Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Đình Nghi đạo diễn. Cuối năm 2017, nghệ sĩ Nguyễn Sĩ Tiến – Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam – dựng lại tác phẩm. Vở kịch sẽ công diễn vào ngày 4/3.

Trọng Trường

vnexpress

BÌNH LUẬN