Các nhà khoa học Trung Quốc tạo ra thành công một giống lúa mới có thể phát triển trong nước mặn, giúp nuôi sống hơn 200 triệu người dân.

trung-quoc-tao-giong-lua-nuoc-man-nuoi-song-200-trieu-nguoi

Giống lúa chịu mặn mới có năng suất từ từ 6,5 đến 9,3 tấn/ha. Ảnh: iStock.

Yuan Longping, nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Lúa chịu Kiềm – Mặn Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, phát triển một dòng “lúa biển” mới có sức chống chịu cao. Người nông dân có thể trồng nó trong nước mặn, tạo ra một cuộc cách mạng lúa gạo giúp nuôi sống hơn 200 triệu người, IFL Science hôm 24/10 đưa tin.

Quay trở lại những năm 1970, Yuan là một trong những nhà khoa học đầu tiên phát triển các giống lúa lai. Do lo ngại dân số Trung Quốc sẽ bùng nổ trong những thập niên tới, nhóm nghiên cứu của ông tạo ra nhiều giống lúa sản lượng cao, mọc nhanh hơn và khả năng chống chọi với thiên tai tốt hơn. Hiện nay, khoảng 20% giống lúa trên thế giới xuất phát từ các loài mà Yuan tạo ra trước đây.

“Nếu người nông dân cố gắng trồng một số giống lúa chịu mặn hiện nay, họ sẽ thu được năng suất khoảng 1,5 tấn/ha. Sản lượng này không mang lại lợi nhuận cũng như không xứng đáng với công sức bỏ ra. Nông dân sẽ có đủ động lực trồng lúa nếu năng suất lúa tăng gấp đôi”, Yuan cho biết.

Yuan và cộng sự tạo ra giống lúa chịu mặn mới sau nhiều năm lựa chọn tính trạng tốt, lai tạo và phân tích di truyền. Vào mùa hè năm 2016, các nhà nghiên cứu hoàn thành thử nghiệm toàn diện đầu tiên sau khi trồng lúa trên những cánh đồng chứa nước biển Hoàng Hải pha loãng. Giống lúa mới làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu vì các mầm bệnh và côn trùng cảm thấy khó khăn hơn để sống trong môi trường có nồng độ muối cao.

Phần lớn diện tích đất nông thôn Trung Quốc đang bị bỏ hoang do đất, nguồn nước quá mặn và quá kiềm. Trước đây, một số giống lúa có thể sống sót trong môi trường nước mặn nhưng đem lại năng suất khá thấp từ 1,125 đến 2,25 tấn/ha. Nhưng giống lúa lai mới có sản lượng cao hơn rất nhiều, từ 6,5 đến 9,3 tấn/ha.

Lê Hùng

vnexpress

BÌNH LUẬN