Tính gan dạ, sự thất bại, độ bền bỉ… là những bài học người trẻ tuổi được nhận khi làm việc tại công ty khởi nghiệp.
Startup là môi trường làm việc trẻ, năng động, sáng tạo nhưng cũng không kém phần rủi ro, trong vai trò công ty mới “chập chững” bước chân vào thị trường. Đối với các bạn trẻ bắt đầu xây dựng sự nghiệp, môi trường làm việc tại startup vừa là nơi chắp cánh cho sự nghiệp, đồng thời nơi dạy họ những bài học thất bại đầu tiên.
Gần đây, trang Inc.com đã tổng hợp 9 bài học các bạn trẻ nhận được khi làm việc tại môi trường năng động này.
1. Bản lĩnh
Các bạn trẻ làm việc trong môi trường startup đều cần bản lĩnh để đương đầu với hàng tá khó khăn mắc phải gồm khó khăn từ thiếu hụt tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất… cho tới sự cạnh tranh từ thị trường. Những điều này cần nỗ lực lớn mà không phải ai cũng có thể dũng cảm đương đầu.
2. Sự thất bại
Thất bại là điều khó tránh khỏi với các công ty khởi nghiệp, chỉ khác ở mức độ và khả năng phục hồi của công ty sau thất bại đó. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi với nhiệt huyết cao, khi gặp thất bại thường có xu hướng coi đó như nỗi xấu hổ về năng lực bản thân, đôi khi chính điều đó ảnh hưởng đến ý chí và niềm tin của các bạn, dẫn tới những quyết định sai lầm.
Thực ra thất bại là “tốt”, khi các bạn trẻ có cơ hội trải nghiệm mình trong môi trường làm việc thử thách. Điều này giúp các bạn học được cách chấp nhận. Sẵn sàng đối mặt với thất bại là động lực giúp sự nghiệp của các bạn tiến xa hơn.
3. Phương pháp làm việc hiệu quả
Trong môi trường startup, áp lực về thời gian buộc các bạn trẻ phải tìm phương pháp làm việc hiệu quả để thích nghi. Những người không chịu được áp lực sẽ bị đào thải khỏi môi trường đó, ngược lại, những bạn trẻ vượt qua giai đoạn sóng gió này sẽ tự xây dựng cho mình phương pháp làm việc hiệu quả.
4. Độ bền bỉ
Các bạn trẻ không chỉ bắt buộc phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày, áp lực công việc trong môi trường startup còn đẩy các bạn tới điểm giới hạn cả về thể chất và tinh thần. Trải qua thời gian rèn luyện chịu áp lực, các bạn sẽ học được giá trị của sự nhẫn nại, chăm chỉ và áp dụng vào cả những khía cạnh khác trong cuộc sống.
5. Tính độc lập
Hầu hết các công việc trong startup buộc các bạn trẻ phải tự chủ và linh hoạt. Nhờ đó, các bạn có thể tự thoát ra khỏi giới hạn bản thân để tiếp cận công việc theo nhiều hướng mới và giải quyết bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Trong môi trường startup, không có công việc “ăn sẵn” người trẻ cần phải tự thỏa hiệp và với tình hình và chịu trách nhiệm với bất cứ biến cố nào xảy ra.
6. Quan hệ xã hội
Mạng lưới quan hệ là yếu tố cần thiết đối với startup. Thiết lập mạng lưới quan hệ xã hội, thông qua đó, bạn sẽ học cách giao tiếp hiệu quả với nhiều người với nền tảng và tính cách khác nhau. Không những thế, mạng lưới quan hệ rộng sẽ mở ra cánh cửa tươi sáng hơn với tương lai của bạn.
7. Khả năng làm việc đa nhiệm
Do vấn đề thiếu nhân sự, mỗi nhân viên trong startup buộc phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Theo Richard Hanson – CEO Jobable (trang tìm kiếm việc làm tại Hồng Kông), “Giới trẻ nên dành những năm đầu làm việc để thử làm những công việc khác nhau, từ đó mới biết chính xác bản thân thực sự muốn làm gì”.
Vậy nên, thay vì ca thán, các bạn trẻ nên coi đó là cơ hội thử thách khả năng của chính bản thân.
8. Niềm đam mê
Đam mê là nguồn năng lượng thúc đẩy các startup phát triển.
Khi làm việc trong môi trường năng động này, các bạn trẻ sẽ được những người sáng lập công ty truyền lửa đam mê ấy và dạy cho các bạn bài học quý: “Nếu đam mê và tin tưởng điều gì đó bằng cả trái tim, bạn sẽ không ngừng nghỉ phấn đấu cho đến khi điều đó trở thành hiện thực”.
9. Lòng khoan dung
Sự tương tác giữa người với người diễn ra nhiều hơn trong môi trường làm việc khởi nghiệp. Tại nơi công việc chủ yếu dựa vào tương tác giữa những cá nhân với nhau, những hiểu lầm, mệt mỏi, tranh cãi là điều không thể tránh khỏi.
Do vậy, các bạn trẻ càng cần dung hòa bản thân với hoàn cảnh xung quanh. Đặc biệt là trong mối quan hệ với đồng nghiệp, sự thấu hiểu, cảm thông và tính chặt chẽ trong công việc là điều không thể tránh.
Lạc Thảo
Nguồn: vnexpress