Lượng mưa kỷ lục kèm sạt lỡ đất từ ngày 6/8 tại các tỉnh Tây Nguyên gây thiệt hại nghiêm trọng. Đà Lạt – Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên, nơi cung cấp mặt hàng rau xanh chính cho các tỉnh phía Nam những ngày qua gánh chịu đợt mưa lũ lịch sử, làm hư hại hàng nghìn hecta rau màu. Không chỉ rau canh tác ngoài trời, một số nhà kính cũng thiệt hại nặng do bị ngập lụt, ngã đổ, thậm chí cuốn trôi.
Ông Nguyễn Lam Sơn, chủ một doanh nghiệp chuyên trồng và cung cấp rau cho hệ thống siêu thị cho biết, công ty ông có 20 hecta canh tác rau các loại tại Suối Cạn, xã Lát, huyện Lạc Dương nhưng những ngày qua nước lũ đã cuốn trôi và làm đổ sập 3 hecta rau trồng trong nhà kính dự kiến thu hoạch vào trung tuần tháng 8.
Bà Hạnh, chủ vựa rau ở Đà Lạt cho biết, hiện tại nguồn rau thu hoạch đang dồi dào do nhà vườn tranh thủ thu gom sau mưa lũ. Nhưng thông thường sau đó một tuần đến 10 ngày, giá rau các loại sẽ tăng cao. Hiện một số loại rau ăn lá đã tăng giá gấp đôi so với trước lũ, như lô lô mua tại vườn 18.000 đồng một kg, tần ô (cải cúc) 13.000 đồng một kg…
Ông Tuấn, một nhà vườn lớn cho biết, bên cạnh rau xanh, những mặt hàng rau ăn củ như khoai tây, hành tây lâu nay đã có giá rất cao ở mức trên dưới 30.000 đồng một kg do đang là mùa nghịch, diện tích canh tác không đáng kể. Còn bắp cải mua nguyên vườn với giá 6.000 đồng một gốc, cần tây 25.000 đồng một kg, sú trái tim 10.000 đồng một kg. Ông cũng dự báo, đợt mưa lũ kỷ lục vừa qua, hầu hết diện tích đều bị ảnh hưởng nên giá rau tăng là điều đương nhiên.
Nhìn xa hơn, theo ông Nguyễn Lam Sơn những năm gần đây Đắk Nông, Đắk Lắc phát triển khá nhiều diện tích rau xanh nhưng những tỉnh này vừa qua cũng lũ lụt nghiêm trọng. Tương tự, các tỉnh duyên hải Nam trung bộ như Quảng Ngãi, Bình Định… cũng có khá nhiều diện tích rau xanh lại đang gặp tình trạng khô hạn, nên với tình hình này, khan hiếm rau xanh trong thời gian tới là khó tránh khỏi.
Theo các nhà vườn ở Lâm Đồng, với diễn biến thời tiết thất thường như năm nay rất khó dự báo cho sản lượng rau xanh trong thời gian tới. Với những loại rau ngắn ngày nhất, diện tích được xuống giống sau đợt mưa lũ cũng phải từ 35 đến 40 ngày mới cho thu hoạch.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trận lũ ba ngày ở Tây Nguyên và Nam Bộ đã làm 10 người chết, một người mất tích. Hơn 12.000 ngôi nhà bị ngập, gần 20.000 ha cây trồng bị thiệt hại; hơn 120.000 gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi; 124 ha nuôi cá và 4.300 m3 lồng bè bị cuốn trôi.
Nhiều tuyến đường, kênh thủy lợi, đập bị hư hỏng, sạt lở. Hai hồ chứa thủy điện Đăk Kar và Đăk Sin 1 (cùng ở huyện Đăk R’lâp, tỉnh Đăk Nông) gặp sự cố, hư hỏng. Thiệt hại ước tính hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó Phú Quốc 107 tỷ.
Theo Congthuong.vn