Đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tài chính
Hiện nay, ngành tài chính của thành phố tăng trưởng bình quân khoảng 8,8%/năm, chiếm tỷ trọng 10% trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu và chiếm tỷ trọng 5,7% GRDP của thành phố. Ngành tài chính cũng đã giúp thành phố huy động khoảng 460.000 tỷ đồng/năm để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Mặc dù đạt được những kết quả khá tích cực, nhưng nhìn chung thị trường tài chính thành phố vẫn còn nhiều khó khăn nhất định, trong đó lực cản lớn nhất là chưa thể hình thành nên một trung tâm tài chính để đáp ứng nhu cầu của 13 triệu dân và hơn 7 triệu khách quốc tế.
Để thực hiện thành công đề án là cả một quá trình phức tạp, lâu dài và nhiều khó khăn, thử thách. Do đó, thành phố mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý, hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học, DN, tổ chức tài chính – Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chia sẻ.
Trình bày về đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh – Trường Đại học Fulbright Việt Nam đã đưa ra một số định hướng phát triển trung tâm tài chính quốc tế là phải xác lập vị thế của trung tâm tài chính của thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực, định hướng quốc tế. Cùng với đó, phát triển vốn con người, đảm bảo nguồn nhân lực tương ứng cho thị trường tài chính và các dịch vụ hỗ trợ liên quan, điều chỉnh chính sách tuyển dụng lao động vào ngành, đặc biệt là chuyên gia quốc tế. Đồng thời, cải thiện môi trường kinh doanh như cải thiện pháp luật, chính sách hiện hành liên quan đến thuế quan, điều tiết thị trường theo hướng môi trường kinh doanh minh bạch, độ tin cậy cao, chi phí kinh doanh thấp… Có chính sách quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, quy hoạch ngành, trong đó phát triển các loại hình sản phẩm và dịch vụ tài chính, phát triển đa dạng và đồng bộ các thị trường…
Bên cạnh đó, tại hội thảo các chuyên gia các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều hiến kế cho việc xây dựng thành phố thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Tiến sĩ Trần Du Lịch – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, hơn 15 năm trước, thành phố đã lên kế hoạch xây dựng tâm tài chính khu vực và quốc tế. Từ năm 2002, Bộ Chính trị đã xác định xây dựng và phát triển thành phố thành trung tâm tài chính của cả nước và từng bước thành trung tâm tài chính của khu vực ASEAN và năm 2012, nội dung này được khẳng định lại. Nhưng cho đến nay, mọi ý tưởng xây dựng thành phố thành một trung tâm tài chính vẫn còn đang dang dở. .
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết thêm, mục tiêu phát triển này là vấn đề của quốc gia chứ không phải là vấn đề riêng của chính quyền thành phố. Thành phố phải là quy tụ và tập trung nhiều nguồn cung cầu sản phẩm tài chính. Thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước phục vụ cho thương mại, đầu tư theo ý nghĩa của một trung tâm chuyển tải vốn cho nền kinh tế trong nước và có tác động nhất định đến thị trường khu vực và thế giới. Nơi tập trung các định chế tài chính đặt trụ sở chính trên thị trường tài chính để thị trường vận hành một cách thông suốt.
Thành phố sẽ xin cơ chế đặc thù để phát triển trung tâm tài chính
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, xây dựng đề án phát triển TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là vì cả nước và để phục vụ cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chứ không phải vì riêng thành phố. Theo đó, thời gian tới thành phố sẽ tăng tốc trong một loạt chương trình nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên.
Trong đó có hoạt động cải cách hành chính, đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh, nghiên cứu trí tuệ nhân tạo… Thành phố có thể học hỏi những kinh nghiệm quý báu từ 3 trung tâm tài chính quốc tế này và nhiều mô hình trung tâm tài chính quốc tế khác như trung tâm tài chính Tokyo (Nhật Bản), Hongkong, Amsterdam (Hà Lan)… nếu muốn thành lập trung tâm tài chính quy mô khu vực và quốc tế, để thu hút dòng tài chính của thế giới đầu tư vào thành phố và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Đề án này là cần thiết vừa là thời cơ vì nhu cầu vốn của kinh tế phía nam và cả nước rất lớn. Thành phố quyết tâm sẽ làm đề án này với mục tiêu trước hết là trở thành trung tâm tài chính của cả nước. Theo kế hoạch, sau khi đề cương sơ bộ được thông qua, đến tháng 9/2019, thành phố sẽ tiến hành giai đoạn 2 của đề án là xây dựng các điều khoản tham chiếu. Đến tháng 10/2020, thành phố sẽ thực hiện giai đoạn 3 xây dựng đề án nghiên cứu khả thi.
Hiện thành phố đang triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển nên trong năm nay, thành phố sẽ xin triển khai cơ chế đặc thù để làm trung tâm tài chính – Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.