Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) vừa công bố Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 (ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) với nhận định, tăng trưởng của khu vực vẫn duy trì ở mức ổn định trong giai đoạn 2019-2020. Năm 2019, AMRO dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,6%.

Cụ thể, theo báo cáo này, tăng trưởng khu vực ASEAN+3 dự kiến duy trì ổn định nhờ cầu nội địa bền vững, kinh tế duy trì đà phục hồi dù cán cân rủi ro toàn cầu đang chuyển dịch dần về hướng bất lợi đi kèm với gia tăng thách thức đối với các nền kinh tế mới nổi.

kinh te viet nam nam 2019 du bao tang truong 66

AMRO phân tích, hầu hết các nước ASEAN+3 đều đang nỗ lực củng cố các giá trị kinh tế cơ bản và các yếu tố cơ bản dài hạn của khu vực vẫn ổn định, hỗ trợ bởi tiêu dùng mạnh mẽ và thương mại nội khối phát triển nhanh trong bối cảnh tầng lớp trung lưu đang gia tăng, đô thị hóa nhanh và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số phát triển mạnh.

Kịch bản cơ sở được đưa ra là, tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN+3 sẽ giảm nhẹ trong giai đoạn 2019 – 2020 do bất ổn tăng trưởng toàn cầu, song nền tảng tăng trưởng kinh tế trong khu vực vẫn ổn định, dự báo năm 2019, tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN+3 ở mức 5,1%.

Với nền kinh tế Việt Nam, AMRO đưa ra dự báo tăng trưởng ở mức 6,6% trong năm 2019, khá sát với dự báo của WB (6,6%) và cao hơn của IMF (6,5%) vừa đưa ra hồi cuối tháng 4. Trong năm 2020, AMRO dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt mức 6,7%, cao hơn mức dự báo của WB (6,5%).

Mặc dù đưa ra những nhận định và dự báo khá lạc quan, song AMRO cũng khuyến cáo các quốc gia trong khu vực ASEAN+3 có thể bị ảnh hưởng bởi những rủi ro cả trong và ngoài khối. Để hạn chế các rủi ro trong ngắn hạn và duy trì tăng trưởng, AMRO khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách trong khu vực nên điều chỉnh chính sách theo hướng hỗn hợp tương ứng với chu kỳ kinh doanh và tín dụng của nền kinh tế từng quốc gia.

Đặc biệt, để đạt được tăng trưởng, Việt Nam cũng như các nước ASEAN+3 cần ưu tiên thực thi các chính sách dài hạn, nhất là các chính sách tập trung vào tăng cường năng lực và kết nối để thúc đẩy Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và duy trì tăng trưởng trong nền kinh tế mới. Bên cạnh đó, các nước cần tận dụng đầu tư và tiết kiệm nội khối; củng cố mạng lưới an toàn tài chính khu vực, bao gồm đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM); phát triển năng lực công nghệ, chuyên môn trong các lĩnh vực khác nhau và tăng cường thể chế…

Hoàng Châu

Theo Congthuong.vn

BÌNH LUẬN