Sự sống trên Trái đất khởi đầu sớm hơn nhiều so với giả định

GD&TĐ – Theo phát hiện gần đây của các nhà khoa học, sự sống trên Trái đất khởi đầu sớm hơn nhiều so với giả định trước đây. Sự chênh lệch lên tới hơn 0,5 tỷ năm.

Theo lý thuyết hiện nay, sự sống bắt đầu trên Trái đất khoảng 3,7 tỷ năm về trước. Thuyết này được đưa ra trên cơ sở khảo cổ ở miền Tây Greenland.

Theo các nhà khoa học, Trái đất hình thành cách đây 4,5 tỷ năm. Chỉ cần 800 triệu năm để sự sống phát triển. Đây là khoảng thời gian rất ngắn. Câu hỏi đặt ra là liệu sự sống trên hành tinh chúng ta có thể phát triển nhanh hơn nữa hay không?

Vài năm trước, một nhóm các nhà khoa học đưa ra gợi ý rằng sự sống trên hành tinh chúng ta xuất hiện sớm hơn so với giả định. Thậm chí họ còn tìm được những chứng cớ cho giả thuyết này. Theo dữ liệu khảo cổ học, những vi sinh vật đầu tiên xuất hiện trên Trái đất khoảng 4,1 tỷ năm trước.

Tiếp đó, nhà sinh hóa học Steven Benner (Mỹ) cũng giới thiệu giả thuyết của mình về vấn đề này. Theo ông Benner, khoảng 4,36 tỷ năm trước điều kiện trên Trái đất rất thuận lợi cho sự phát triển của những vi sinh vật tiến hóa hơn.

Trước khi Trái đất hình thành, trong các khu vực thuộc Hệ Mặt trời có thể xuất hiện các vi thể hành tinh (planetesimals). Đó là những vật thể rắn không lớn, là “bào thai” hình thành nên các hành tinh. Theo nhà khoa học Lindy Elkins-Tanton ở ĐH

Arizona (ASU), các vi thể hành tinh có tất cả các yếu tố cần thiết để hình thành sự sống. Tất nhiên, các yếu tố cần thiết ở đây bao gồm nước ở dạng lỏng, các hợp chất hữu cơ và nguồn năng lượng.

Phần lớn các vi thể hành tinh hình thành trong vòng 1,5 tỷ năm sau khi Hệ Mặt trời ra đời đều có các yếu tố này. Ông Elkins- Tanton cùng đồng nghiệp là Stephen Westem đặt giả thuyết là sự khởi đầu của các vi sinh vật có thể xảy ra trước khi Trái đất hình thành.

Có hàng loạt chứng cứ ủng hộ giả thuyết của họ. Một trong những chứng cứ đó là thiên thạch Murchison rơi xuống Australia. Thiên thạch này chứa 35 loại axit amin khác nhau.

Một chứng cớ quan trọng khác là nghiên cứu đặc tính các vi thể hành tinh. Nhiều vi thể hành tinh có khả năng giữ nước ở trạng thái lỏng trong suốt 50 triệu năm. Khoảng thời gian này có thể đủ để sự sống phát triển nếu như trên các vi thể hành tinh có thêm những điều kiện thuận lợi khác.

Phần lớn các vi thể hành tinh sau đó trở thành một phần của Trái đất, sau những va chạm vũ trụ.

Theo Tuấn Sơn
Nauka

Theo Giaoducthoidai.vn

BÌNH LUẬN