Việc ngậm bình sữa, vừa bú sữa vừa ngủ được bác sĩ cho là nguyên nhân hàng đầu gây sâu răng ở trẻ nhỏ.
Khi bé quấy khóc trước giờ đi ngủ, nhiều cha mẹ có thói quen cho bé bú một bình sữa. Bởi có thể trẻ bị đói và ngậm núm ti là cách hiệu quả để xoa dịu trẻ một cách nhanh chóng, giúp chúng ngủ thiếp đi. Nhưng cách này cũng tiền ẩn nguy cơ gây sâu răng cho trẻ. Bài viết của một bác sĩ nha khoa Thái Lan đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các bậc cha mẹ có con nhỏ.
Sathian Ken Suravisankul (Phuket, Thái Lan) đã chia sẻ hình ảnh một ca điều trị cho bệnh nhi trên trang cá nhân của mình. Cậu bé bị sâu răng nghiêm trọng, phải nhổ 18 trên tổng số 20 chiếc răng. Trong bài viết, bác sĩ cho biết cậu bé thường được bố mẹ pha cho một bình sữa và uống khi đi ngủ. Cậu bé có thói quen phải ngậm bình sữa như thế mới ngủ ngon được.
ài viết thu hút hơn 33.000 lượt xem còn đem đến lời khuyên hữu ích của bác sĩ gửi tới các bậc phụ huynh. “Cha mẹ nên cho con đánh răng thường xuyên và không để chúng ngậm ti giả hoặc vừa bú sữa vừa ngủ vì điều đó làm tăng nguy cơ sâu răng”, bác sĩ viết.
Sau ca điều trị, cậu bé chỉ còn lại 2 chiếc răng ở hai bên hàm. Lượng thức ăn mà bé nạp vào sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian này.
Đây là một vấn đề phổ biến với trẻ, mặc dù không phải lúc nào cũng đến mức nghiêm trọng như trong bài viết. Thói quen ngậm bình sữa đã được đề cập trong thuật ngữ “Hội chứng bình bú sữa” (Nursing Bottle Syndrome – NBS). Hội chứng này xảy ra khi răng bé tiếp xúc với chất lỏng có chứa đường như sữa mẹ, sữa công thức, nước trái cây trong một thời gian dài và gây sâu răng diện rộng. Để điều trị, răng của trẻ sẽ cần được trám, bọc hoặc nhổ.
Cách bảo vệ bé khỏi Hội chứng bình bú sữa
– Cai bú bình cho trẻ 12-14 tháng tuổi
– Không để trẻ ngậm một bình sữa nhiều hơn 20 phút
– Bắt đầu tập thói quen đánh răng cho trẻ ngay khi chiếc răng đầu tiên xuất hiện hoặc bố mẹ giúp con làm sạch răng bằng khăn ướt
– Việc khám răng cho trẻ cần bắt đầu khi trẻ 12 tháng hoặc sớm hơn nếu thấy có bất thường
– Nước ép và soda có thể gây mòn răng. 114-115 ml là lượng nước trái cây tối đa một đứa trẻ nên tiêu thụ trong một ngày
– Trẻ em nên được cho ăn 2-3 giờ một lần
– Thời gian biểu phổ biến được áp dụng cho trẻ là 8h: ăn sáng – 10h: ăn nhẹ – 12h: ăn trưa
– Nước lọc là thứ duy nhất trẻ nên uống giữa các bữa ăn
Hà Nhi (Theo Theasianparent)
Theo Ngoisao.net