Con cái với trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già

GD&TĐ – Có một thực tế không thể phủ nhận và không thể lảng tránh đề cập là cư dân thế giới ngày càng già nua. Các con số thống kê trong nhiều năm gần đây chỉ rõ quá trình lão hóa của cư dân Trái đất, bất kể chúng ta chấp nhận tiêu chí tuổi già là tuổi 60 hay 65 hoặc cao hơn nữa.

Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng vào năm 2025, những người từ 60 tuổi trở lên trên thế giới sẽ chiếm 21,1% dân số Trái đất. Cùng với hiện trạng đó, một câu hỏi quan trọng được đặt ra: Chăm sóc cha mẹ già phải chăng sẽ là trách nhiệm đạo đức và tình cảm của những người làm con?

Một số công trình nghiên cứu xã hội học ở Ba Lan đã đưa ra những con số đáng để mọi người suy ngẫm: Nhu cầu chăm sóc cha mẹ già hay ông bà hiện tại chủ yếu đặt lên vai thế hệ con cháu.

Nhưng trách nhiệm về mặt lý thuyết là một chuyện, còn việc sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ này lại là chuyện khác. Bằng chứng là mới đây trên trang mạng debate.org, trả lời câu hỏi: Phải chăng chúng ta, với tư cách những người trưởng thành, phải có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ đang mỗi ngày một già?, chỉ có 47% cư dân mạng nước này trả lời khẳng định, trong khi đó 53% trả lời KHÔNG.

Câu trả lời KHÔNG và lý do: “Các ông bố, bà mẹ, dù đang trải qua quá trình già hóa, vẫn nên tự mình chăm lo cho cuộc sống của mình, bởi như vậy mới là cách làm của những người có trách nhiệm.

Chưa kể không phải ông bố, bà mẹ nào ở thời làm cha làm mẹ cũng đều hoàn thành trách nhiệm của mình đối với con cái. Không thiếu những người đã tỏ ra vô trách nhiệm, thậm chí còn làm khổ con cái mình.

Vậy thì tại sao một đứa con vốn trong thời niên thiếu không được bảo đảm cuộc sống về cả tình cảm lẫn vật chất, giờ lại phải chịu trách nhiệm về ông bố hay bà mẹ từng vô trách nhiệm trong quá khứ của mình?”.

“Giờ không phải thập niên 20 của thế kỷ XX. Theo tôi, chờ đợi con cái chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già là sự đòi hỏi quá đáng, cho nên ý tưởng con cái chăm sóc cha mẹ thời nay có vẻ không phù hợp nữa.

Tôi thấy khó chịu khi đọc những lời tâm sự của các ông bố, bà mẹ từng bỏ phí nhiều năm chỉ cốt sao lẩn tránh cảm giác tội lỗi của mình. Việc các ông bố, bà mẹ đang già đi từng ngày nuôi hy vọng những đứa con trưởng thành của mình sẽ giúp đỡ vật chất cho cuộc sống của họ là một suy nghĩ không đúng hướng.

Trong không ít xã hội hiện nay, khi trong số anh chị em ruột thịt, câu hỏi: “Ai sẽ là người chịu trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già?” được đưa ra, nó lập tức gây mâu thuẫn không nhỏ trong nội bộ gia đình.

Câu chuyện thực tế

Báo “Gazeta Wyborcza” (Ba Lan) vừa đăng tâm sự đầy xúc động của một phụ nữ xung quanh chuyện chăm sóc bà mẹ già cao tuổi của mình:

– “Trước đây trong gia đình tôi, bố mẹ và mấy chị em tôi luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ, thân tình, mặc dù đôi khi cũng xảy ra va chạm nhỏ, chuyện thường tình trong mỗi gia đình. Nhưng rồi bố tôi bị bệnh ung thư và qua đời ở tuổi 70. Mẹ tôi ở một mình và trong khoảng 5 năm đầu bà xoay xở khá tốt với hoàn cảnh mới.

Chị em chúng tôi thường xuyên thay nhau về thăm mẹ, chủ yếu vào những ngày nghỉ cuối tuần, giúp mẹ giải quyết những vấn đề quan trọng” – chị Maria kể – “Lúc đầu có sự góp sức của tất cả anh chị em, nhưng dần dần trong thực tế chỉ còn lại mình tôi, vì như các chị tôi nói – tôi ở gần mẹ nhất.

Về lý thuyết điều này không ảnh hưởng lắm đến cuộc sống hiện tại của tôi. Các con tôi đã trên mười tuổi cả, không cần phải lúc nào cũng ở bên cạnh chúng. Tôi thường xuyên đi thăm mộ cha, nên việc đưa mẹ cùng đi ra nghĩa trang không khó khăn gì.

Bây giờ thì tôi hiểu là các bà chị tôi đã dự tính trước nhiều điều, bởi vì khi các bác sĩ chẩn đoán mẹ tôi bị bệnh Alzhaimer, chỉ có một mình tôi chăm mẹ. Vẫn lại là lý do “em lâu nay chăm mẹ nên mối quan hệ tình cảm giữa em và mẹ là gần gũi nhất”.

Khi người mẹ 75 tuổi của tôi lần đầu tiên đi ra khỏi nhà và quên đường về, các bà chị tôi hỏi thẳng tôi: “Em đưa mẹ về ở cùng được không?”. Tôi ngỡ ngàng trước cách cư xử của các chị và trả lời rằng điều đó không thể xảy ra được. Tôi ở trong một căn hộ tập thể 3 phòng với chồng và hai đứa con trai. Nhưng các bà chị tôi nói rằng các chị còn có hoàn cảnh khó khăn hơn và họ kết thúc câu chuyện ở đó, không bàn cãi gì thêm.

Sau đó các chị không chỉ quên hẳn chuyện gọi điện thoại cho tôi mà còn không nghe điện thoại khi tôi gọi đến. Tôi còn lại một mình với bà mẹ không đủ khả năng sống tự lập nữa. Tôi bị một cú sốc lớn khi ý thức được rằng bây giờ mẹ tôi chỉ có mình tôi là con.

Khi cha mẹ có tiền, các bà chị tôi còn năng đi lại thăm nom, giờ họ tìm mọi cách lảng tránh. Tôi chỉ còn hai sự lựa chọn: Hoặc thuê người giúp việc hoặc gửi mẹ vào nhà dưỡng lão. Tôi đến gặp các bà chị để nêu vấn đề thì họ thản nhiên trả lời rằng tôi là con gái yêu của mẹ, sao dám nghĩ đến chuyện ném bà ra ngoài đường?”.

Thế là nhân vật chính của câu chuyện phải đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan. Chị cảm thấy vô cùng thất vọng trước cách xử sự của các chị gái mình. Cuối cùng, chị đưa mẹ về nhà, thuê người giúp việc theo giờ khi chị đi làm và cố gắng hài hòa mọi chuyện.

Nhưng không bao lâu, chồng chị tỏ ra khó chịu, hai cậu con trai cũng không thấy thoải mái vì phải dồn lại ở một phòng. Chị Maria lúc đó mới nhận ra là quyết định của chị kéo theo những hậu quả mà chị không lường trước được. Các bà chị hầu như không đến thăm mẹ.

Sau hai năm, nhận thấy không thể tiếp tục sống như vậy, chị Maria buộc phải đưa mẹ vào nhà dưỡng lão. Các bà chị mỗi năm đến thăm mẹ vài lần ở đó, nhưng cái gắn kết họ hiện nay là chuyện chia tài sản sau khi mẹ mất.

Rất tiếc chuyện của chị Maria ở Ba Lan không phải là một ngoại lệ. Có cả triệu câu chuyện tương tự như thế đang xảy ra trên khắp thế giới. Việc chăm sóc cha mẹ già là nguyên nhân làm nảy sinh biết bao mâu thuẫn trong nội bộ các gia đình.

Những ý kiến trái chiều

Nhưng cũng may mà bên cạnh những người nói KHÔNG với trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già vẫn có nhiều tiếng nói ngược lại. Lý luận của những người này thật đáng trân trọng.

“Chỉ có những đứa con tồi mới không quan tâm đến chăm sóc cha mẹ già khi các cụ cần con! Trong nhiều xã hội mà chính phủ không có những chương trình bảo đảm sự chăm sóc đời sống người già, ở đó trách nhiệm này phải thuộc về con cái.

Không quan trọng chuyện bạn là người ngoan đạo hay không, đã là con người thì phải quý trọng cha mẹ mình. Dành sự chăm sóc cho cha mẹ là đạo đức tối thiểu phải có. Nhưng thật đáng tiếc, như ta chứng kiến trong xã hội hiện nay, đối với nhiều người, quan trọng hơn cả là ngôi nhà to và chiếc máy thu hình hiện đại”.

“Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ già ư? – câu trả lời thật đơn giản: – Nhất định phải như vậy rồi! Nếu cha mẹ bạn không dành cho bạn sự nuôi dạy, chăm sóc trong những năm tháng đầu đời, thì bây giờ bạn là ai và đang ở đâu? Bạn sẽ sống ra sao? Cho nên phải biết ơn và đền ơn cha mẹ, đó là vấn đề đạo đức. Cha mẹ là tài sản quý giá nhất mà bạn có trong đời. Không có cha mẹ thì không có bạn!”.

Nhà xã hội học Ba Lan Maria Rotkiel cho rằng, đối với thế hệ trẻ, chăm sóc người già là một đặc quyền và cơ hội để hiểu mình, để nhận thức lịch sử bản thân, nguồn gốc của mình và để tự phát triển mình.

Nếu chúng ta đi tìm trong cuộc sống sự cân bằng, tìm cho mình một yếu tố tinh thần và sự phát triển tình cảm, nếu chúng ta đi tìm những phương thức để phần nào giải phóng bản thân và nhận ra cái tạo dựng nên mình và để cân bằng giữa áp lực hàng ngày với sự thôi thúc vươn lên, cơ hội tốt nhất chính là những chuyến đến thăm bà của bạn, uống với bà chén trà, chuyện trò với bà một cách cởi mở, trong bầu không khí bình thản, không chút vội vàng. Bởi vì nhờ cuộc tiếp xúc với bà, chúng ta biết cách xoay xở hiệu quả với những tình huống chúng ta đang gặp phải.

Người già thường bị dằn vặt bởi ý nghĩ mình bị bỏ rơi, bị ném ra rìa xã hội. Trong khi con cháu các vị nhắc đi nhắc lại: “Thì bọn con vẫn đang chăm sóc bố mẹ đấy thôi. Bọn con luôn bảo đảm cho bố mẹ sự chăm sóc cần thiết, bọn con quan tâm đến việc làm sao bố mẹ không bị thiếu thốn bất cứ thứ gì”.

Ở đây chúng ta đang nói đến hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, bởi vì ông bà chúng ta thiếu là thiếu mối quan hệ tình cảm, thiếu cái mà các cụ mong đợi: Con cháu tự nguyện đến thăm và cố gắng tìm ra những đề tài cho những câu chuyện khiến ông bà và con cháu gắn kết với nhau.

Cho nên có thể nói quan niệm về sự chăm sóc người già bao gồm hai yếu tố: Yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần, tức là bên cạnh vật chất cần quan tâm thường xuyên đến mối liên hệ tình cảm, nếu không cả hai bên sẽ phải gánh chịu tổn thất lớn lao – bà Maria Rotkiel kết luận.

“Vốn kiến thức của người già chính là loại thuốc đặc trị cho căn bệnh chúng ta đang mắc phải là tiếp cận vấn đề một cách hời hợt, đề cao chủ nghĩa tiêu dùng, thường xuyên bị stress, luôn sống trong tư thế vội vàng” – Nhà xã hội học Maria Rotkiel.

Theo Nguyễn Chí Thuật
Gazeta Wyborcza

Theo Giaoducthoidai.vn

BÌNH LUẬN