Các quốc gia cùng nỗ lực chống hàng giả
Hội thảo chống hàng giả hàng nhái có sự tham dự của hơn 100 diễn giả và đại biểu đến từ các quốc gia thành viên ASEAN cùng Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Mông Cổ, Pakistan, Sri Lanka, Đông Timor và các quốc gia khác ở Trung Đông và Nam Thái Bình Dương. Các quan chức hải quan, bảo vệ người tiêu dùng, thực thi pháp luật cũng như đại diện các công ty đa quốc gia như Coca Cola, L’Oreal, Procter & Gamble, PepsiCo, Pfizer, and Johnson & Johnson đã cùng tham dự hội thảo.
Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hàng giả hàng nhái hiện chiếm 3,3% thương mại toàn cầu và xu hướng này càng ngày càng gia tăng. Hội thảo được tổ chức nhằm kết nối nỗ lực của các ngành và chính phủ, phát triển và thực thi các chiến lược ngăn chặn buôn lậu hàng tiêu dùng giả mạo và bảo vệ người tiêu dùng.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh, thực phẩm, thức uống, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng nhanh là những mặt hàng thiết yếu trong đời sống của con người, khi các mặt hàng này có xuất xứ không rõ ràng, giả mạo, không đảm bảo vệ sinh sẽ gây ngộ độc trực tiếp cho con người. Bên cạnh đó, các mặt hàng giả mạo, không rõ xuất xứ còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến các DN sản xuất chân chính.
Sự chia sẻ từ các quốc gia, các chuyên gia thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ sẽ là kinh nghiệm, bài học quý cho các quốc gia trong đó có Việt Nam trong việc thực hiện bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các DN sản xuất kinh doanh chân chính. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều chương trình hỗ trợ DN đảm bảo tiêu chuẩn hàng hóa đưa ra nước ngoài theo hướng đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Rất nhiều nhãn hiệu hàng hóa đã được cấp chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ – Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Chống hàng giả là cách bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu
Theo các chuyên gia Hoa Kỳ, không chỉ đồ uống, thức ăn nhanh, các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu rất cần danh tiếng ở nước ngoài, càng giao thương nhiều càng phải đảm bảo danh tiếng của mình đối với hàng hóa xuất khẩu. Xây dựng được danh tiếng rất mất nhiều thời gian, nhưng việc mất danh tiếng rất nhanh nhất là trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội.
Ông Peter Fowter, cố vấn cấp cao cơ quan sáng chế nhãn hiệu Hoa Kỳ cho biết, khi phát hiện ra hàng giả, hàng nhái và cơ quan chức năng của Hoa Kỳ tuyên bố là hàng giả thì hàng hóa đó sẽ bị tiêu hủy ngay. Hễ là hàng giả nguy cơ gây ảnh hướng đến sức khỏe người tiêu dùng là sẽ phải hủy. Đồng thời, cơ quan chức năng Hoa Kỳ sẽ thông báo cho chủ thể hợp pháp để họ có biện pháp như xác minh lại sản phẩm đó. Khi chủ thể được thông báo, họ có thể sử dụng thông tin đó để có những biện pháp phù hợp như truy xuất nguồn gốc, kiểm chứng sản phẩm, tìm ra xuất xứ ở đâu họ tự điều tra lấy để tự bảo vệ mình.
Thực tế tại Việt Nam việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái qua biên giới hiện nay rất khó khăn. Ngoài các lô hàng lớn đi đường biển, những lô hàng giả, hàng nhái quy mô nhỏ lẻ đi đường bưu điện, chuyển phát nhanh qua đường hàng không cũng phát triển khá nhiều, rất khó cho việc kiểm tra, khám xét hàng giả. Vì vậy rất cần sự phối với các quốc gia để nhận biết, phát hiện, ngăn chặn. Trong thời gian qua, Việt Nam đã có sự phối hợp với cơ quan FBI của Mỹ, tổ chức sở hữu trí tuệ trong việc chống hàng giả, hàng nhái.
Từ phía các DN sản xuất, DN cần phải đầu tư ứng dụng công nghệ để hỗ trợ cho người tiêu dùng phát hiện hàng giả, hàng nhái sản phẩm của DN mình.
Đến nay, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu. Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia 389 về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Trưởng ban, cùng với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, cần tuyên truyền phổ biến kiến thức nâng cao ý thức của người tiêu dùng, hãy là người tiêu dùng thông minh, tẩy chay hàng giả, hàng nhái; thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng mã vạch, mã số code QR…