Từng là nạn nhân của hàng giả, hàng kém chất lượng, chị Hoàng Thu Loan (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cho biết, đã mua một chiếc bàn là hơi nước qua mạng xã hội facebook có địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi nhận được sản phẩm thì khác xa so với hình ảnh và công dụng được quảng cáo trên mạng. Khi liên hệ lại với cửa hàng, nhận được lời hứa hẹn đổi trả, rồi biệt tăm không liên lạc được. “Giá trị không lớn, nên tôi cũng không muốn khiếu nại, hay làm to chuyện, chỉ coi đó là bài học khi mua hàng online” – chị Hoàng Thu Loan chia sẻ.
Hay như trường hợp anh Phạm Tiệp (Minh Khai, Hà Nội) mua chiếc bánh sinh nhật tại một cửa hàng ở Nguyễn Khánh Toàn (Hà Nội). Anh Tiệp chia sẻ, bên ngoài bánh rất đẹp, mới, nhưng khi cắt bánh thì bên trong bị mốc xanh. Tôi có liên hệ với cửa hàng, song vẫn chỉ nhận được lời giải thích do tủ bảo quản bánh không đảm bảo nên dẫn đến bị mốc. Và sau đó, anh Tiệp cũng “cho qua”.
Đây chỉ là một vài trong muôn vàn câu chuyện khi mua hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo mà vẫn bỏ qua. Phần lớn NTD có tâm lý ngại va chạm, nên đa số chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình. Cũng có trường hợp, NTD đã khiếu nại song việc giải quyết không thành công, do không còn đủ chứng cứ quyền lợi bị xâm hại.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD, Bộ Công Thương), trong năm 2017 và 2018, đơn vị đã tiếp nhận và xử lý hàng nghìn khiếu nại, yêu cầu của NTD liên quan đến các hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm quyền lợi NTD. Trong đó, riêng tổng đài tư vấn hỗ trợ NTD đã ghi nhận có hơn 6.000 cuộc gọi đến. Theo thống kê, trong số các cuộc gọi có nhân viên trả lời, thì có đến khoảng 30% cuộc gọi liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi NTD.
Tuy nhiên, không ít các trường hợp, khi các chuyên viên của Cục CT&BVNTD tiếp xúc thì NTD không cung cấp được các bằng chứng xác thực việc mình bị vi phạm quyền lợi như: Hàng hóa không còn nguyên vẹn, hóa đơn chứng từ mua hàng không còn, hoặc các trang mạng bán hàng không rõ ràng, không còn tồn tại… Điều này khiến các điều tra viên rất khó trong việc phát hiện kiểm tra và xử lý vụ việc.
Cục CT&BVNTD khuyến cáo, NTD nên tìm đến những địa chỉ tin cậy để mua sắm hàng hóa để có thể dễ dàng khiếu nại nếu gặp trường hợp mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Hàng năm, Bộ Công Thương đều có kế hoạch triển khai Ngày Quyền NTD nhằm tuyên truyền, phổ biến, thực thi văn bản pháp luật về quyền của NTD để tạo cho NTD chủ động và ý thức tự bảo vệ bản thân. Năm 2019, chủ đề tổ chức các hoạt động hưởng ứng là: “Kinh doanh lành mạnh – Tiêu dùng bền vững”.
Cùng với đó, nhằm theo kịp xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Công Thương cũng lưu ý cần tập trung thực hiện các hoạt động bảo vệ NTD trong các giao dịch thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, giao dịch qua các trang mạng xã hội…
Theo đại diện Cục CT&BVNTD, nhằm đảm bảo hiệu ứng tập trung và lan tỏa, thay vì chỉ tổ chức tập trung vào tháng cao điểm (tháng 3), các hoạt động Ngày Quyền NTD 2019 sẽ kéo dài trong tháng 4 và 5/2019 trên phạm vi cả nước. |