Người mẹ Trung Quốc nổi giận khi phát hiện con gái mua robot để làm thay bài tập, nhưng nhiều người dùng mạng lại bảo vệ cô bé.

Theo Qianjiang Evening News, tuần trước, ở Cáp Nhĩ Tân, thành phố Hàng Châu, một phụ nữ họ Zhang đã phát hiện cô con gái 15 tuổi mua robot để hoàn thành bài tập dịp nghỉ Tết. Cô bé sử dụng nó để sao chép các đoạn trong sách và các bài văn mẫu.

Mặc dù dịp Tết phải tham gia nhiều hoạt động và liên tục di chuyển, chị Zhang rất ngạc nhiên khi thấy con gái đã hoàn tất các bài tập chỉ trong hai ngày, với nét chữ gọn gàng. Sau đó, trong lúc dọn phòng cho con, chị Zhang phát hiện ra thiết bị – một chiếc khung và bút kim loại, với phần vỏ ghi “có khả năng bắt chước mọi loại chữ viết tay”.

Hóa ra, con gái chị đã dùng 800 nhân dân tệ tiền lì xì năm trước (hơn 2,7 triệu đồng) để mua robot trên mạng. Tức giận, chị đập tan thiết bị này. “Nó có thể làm thay bài tập ở nhà cho con nhưng có giúp được con lúc đi thi không”, chị Zhang nói với con.

Một trong các loại robot có khả năng viết bài tập về nhà, lựa chọn phông chữ viết tay theo ý người dùng. Ảnh: Thepaper.cn.
Một trong các loại robot có khả năng viết bài tập về nhà, lựa chọn phông chữ viết tay theo ý người dùng. Ảnh: Thepaper.cn.

Yêu cầu trẻ phải chép lại từ, đoạn văn hay các bài thơ cả trăm lần là việc khá phổ biến ở các trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, hầu hết các bình luận về bài đăng này lại thể hiện sự hào hứng với con robot. Một số người nói rằng họ ước hồi đi học có một chiếc máy như thế, trong khi một số khác so sánh “thủ thuật” của cô gái này với chính họ, bao gồm cả việc buộc 3-4 chiếc bút vào để có thể viết nhiều chữ cùng lúc.

The South China Morning Post đã thử tìm kiếm robot sao chép trên trang thương mại điện tử Taobao và thấy có vô số bài đăng bán với giá từ 200 đến hơn 1.000 nhân dân tệ. Một cửa hàng chuyên bán robot tên LichTech, còn đăng video giải thích cơ chế làm việc của thiết bị này.

Nó có một khung kim loại để giữ giấy, với một cánh tay gắn bút. Được nối với máy tính bằng cáp USB, tay robot viết văn bản được nhập bằng phần mềm đi kèm. Có nhiều phông chữ được chọn từ phần mềm đó và nó thậm chí cho phép người dùng tự tạo chữ viết tay riêng, bằng cách sử dụng một ứng dụng đặc biệt.

Một người bán hàng họ Wang cho biết, công ty đã hoạt động 3 năm nhưng gần đây mới có lượng đặt hàng lớn. “Robot này có thể viết 8 tiếng một ngày và dùng được 2-3 năm”, chị này nói.

Robot có thể viết vài tiếng mỗi lần. Ảnh: Taobao.
Robot có thể viết vài tiếng mỗi lần. Ảnh: Taobao.

Trong nhóm mạng gồm 800 thành viên của cửa hàng LichTech, một người tên Rain kể, chị là giáo viên và đã dùng máy này hơn một năm để soạn bài. Chị nói đã dành một tuần viết 6.000 ký tự Trung Quốc để tạo phông chữ riêng và không ai có thể phân biệt được chữ của chính chị với phần robot viết.

Liên quan tới câu chuyện cô nữ sinh sử dụng robot làm bài, không ít ý kiến nêu câu hỏi có cần thiết phải giao các bài tập kiểu chép bài cho học sinh không. Nhiều người cảm thấy việc chỉ trích cả học sinh lẫn công ty bán sản phẩm là không có cơ sở.

Tới hôm 19/2, chủ đề này trên mạng xã hội Weibo đã thu hút hơn 13 triệu lượt xem, với hơn 3.000 bình luận. Một số người cho rằng ở tuổi mình, cô nữ sinh không nên dùng robot sao chép như vậy, trong khi một số khác kêu gọi cần cải cách giáo dục để giáo viên có thể giao các bài tập sáng tạo, thử thách hơn thay vì khiến học sinh chán và oải.

Người khác bày tỏ: “Đôi khi các nhà giáo dục cần xem lại vấn đề này, tại sao chúng ta vẫn phải thực hiện một nhiệm vụ mà người máy hoàn toàn có thể làm được?”.

Vương Linh

Theo VNExpress.net

BÌNH LUẬN