Theo VFA, trái ngược với kết quả tăng của năm 2018, xuất khẩu gạo ngay những ngày đầu năm 2019 đã quay đầu lao dốc mạnh. Điều này, khiến giá lúa, gạo thị trường nội địa cũng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện giá lúa thường chỉ còn 4.300 đồng/kg, giảm khoảng 300 đồng/kg so với trước tết. Một số nơi tại An Giang, Đồng Tháp, Long An… giá lúa cũng đang giảm sâu. Dù biết bị thương lái ép giá nhưng nông dân bắt buộc bán lúa vì không có nơi trữ.
Báo cáo của các tổ chức thống kê thương mại gạo thế giới được VFA thống kê cho thấy, kết thúc năm 2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp không phải là hội viên của VFA) đạt gần 7 triệu tấn, cao nhất kể từ năm 2016, và tăng gần 400.000 tấn so với năm 2017. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, xuất khẩu gạo Việt Nam đã quay đầu sụt giảm mạnh.
VFA nêu rõ, để giảm thiểu khó khăn cho người nông dân, tùy theo điều kiện thực tế, các hội viên VFA cần chủ động thực hiện việc thu mua dự trữ theo Nghị định 107/2018, đẩy nhanh tiến độ giao hàng cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký, chủ động hỗ trợ và liên kết với các hợp tác xã, các hộ nông dân sản xuất lúa thực hiện gởi kho tại doanh nghiệp hội viên, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp hội viên có ký kết hợp đồng bao tiêu với các hợp tác xã, các hộ nông dân trồng lúa nhằm thực hiện cam kết đã ký và nhanh chóng tiến hành thu mua hàng hóa.
Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, Chính phủ cần chỉ đạo ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn mua lúa trong dân để tạm trữ chờ xuất khẩu.
Dưới góc độ của Bộ Công Thương, giá gạo giảm là xu hướng chung của thị trường sau một thời gian dài giá tăng cao và chưa xác định khi nào giá lúa sẽ tăng trở lại. Do đó, việc mua dự trữ thì tốt hơn là tạm trữ.