Đồng Nai lên phương án di dời dân ở gần sân bay Biên Hòa ra khu vực tái định cư để giao đất sạch cho dự án xử lý dioxin.

Ngày 15/2, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Phó ban chỉ đạo quốc gia 701 (Ban chỉ đạo khắc phục bom mìn, chất độc hóa học chiến tranh) đã thị sát Dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai).

Đại tướng Ngô Xuân Lịch thị sát nhà máy xử lý đất, đá nhiễm dioxin trong sân bay Biên Hòa sáng 15/2. Ảnh: Phước Tuấn.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch thị sát nhà máy xử lý đất, đá nhiễm dioxin trong sân bay Biên Hòa sáng 15/2. Ảnh: Phước Tuấn.

Theo ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND Đồng Nai, cạnh sân bay Biên Hòa có 3 điểm nhiễm dioxin, trong đó có khu dân cư khá đông đúc. “Chúng tôi đã chuẩn bị khu tái định cư, bắt đầu tháng 6 sẽ di dời dân đến khu vực này. Dự kiến đầu năm sau, tỉnh giao mặt bằng sạch cho dự án xử lý dioxin”, ông Chánh nói và cho biết khu dân cư này có 75 hộ dân với 300 người.

Sau khi thị sát khu xử lý ô nhiễm ở điểm Z1 và nhà máy rửa đất, đá nhiễm dioxin công nghệ Nhật Bản trong sân bay, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, đơn vị quân đội, tổ chức quốc tế… đã phối hợp thực hiện công tác khoanh vùng, xử lý các điểm nóng tồn lưu chất độc hóa học.

Đại tướng nhấn mạnh, công tác khắc phục hậu quả chất độc sau chiến tranh là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện tính chất nhân đạo, nhân văn sâu sắc, vì cuộc sống của người dân và môi trường trong sạch nhằm phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. “Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ, chúng ta cần phải làm chủ công nghệ xử lý, kêu gọi sự giúp đỡ vốn của bạn bè quốc tế, tuyên truyền chăm lo chính sách y tế cho quân, dân nhiễm chất độc da cam”, Bộ trưởng nói.

Cùng ngày, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã làm việc với Trung đoàn không quân 935 (Sư đoàn 370) đóng tại sân bay Biên Hòa về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Bộ trưởng Quốc phòng đã thăm quan một số máy bay chiến đấu, vũ khí… hiện đại, tối tân của Quân chủng Phòng không – Không quân.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch thăm hỏi, động viên các phi công tiêm kích Su30MK2 của trung đoàn 935. Ảnh: Phước Tuấn
Đại tướng Ngô Xuân Lịch thăm hỏi, động viên các phi công tiêm kích Su-30MK2 của trung đoàn 935. Ảnh: Phước Tuấn.

Sân bay quân sự Biên Hòa, cách TP HCM 30 km, từng là căn cứ của Không lực Mỹ trong giai đoạn chiến tranh. Theo các chuyên gia, nơi này nhiễm chất độc dioxin có nồng độ nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất trên thế giới, với khoảng 500.000 m3 đất ô nhiễm dioxin.

Năm 2012, từ nguồn tài trợ của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Quỹ môi trường toàn cầu, Việt Nam đã triển khai dự án chống lan tỏa bằng cách xây dựng hồ điều hòa, đào đắp mương thu gom dòng chảy nước bề mặt, cô lập hơn 5 ha, với khối lượng đất ô nhiễm ước tính hơn 70.000 m3 tại phía Tây sân bay.

Năm 2010-2016, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo chôn lấp cô lập 160.000 m3 đất bị nhiễm dioxin tại sân bay. Tháng 9/2017, Bộ khởi công Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền xử lý chất độc hóa học dioxin tại sân bay với các nhiệm vụ rà phá bom mìn; xây dựng hạ tầng, đường giao thông; khoanh vùng chống lan tỏa chất độc dioxin; di dời doanh trại các đơn vị, công trình quân sự ra khỏi nơi ô nhiễm. Tổng giá trị của dự án là 270 tỷ đồng.

Giữa năm ngoái, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Quân chủng Phòng không – Không quân đã ký hợp tác cho Dự án tổng thể xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa. Chi phí dự kiến để xử lý dioxin tại đây là 390 triệu USD, nguồn vốn từ hỗ trợ của Chính phủ Mỹ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Quá trình xử lý dự kiến trong 10 năm.

Phước Tuấn

Theo VNExpress.net

BÌNH LUẬN