Từ Tết Nguyên đán đến nay, mỗi ngày ngư dân có thể vớt được hàng tấn ruốc biển.
Khoảng 18h, hàng chục tàu thuyền bắt đầu ra biển Mân Thái, ven bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) bắt ruốc, còn có tên là moi, tép moi, tép biển. Từ mùng 1 Tết Nguyên đán, ruốc dày đặc ở vùng biển này.
Bắt ruốc có hai cách. Thứ nhất là bủa lưới (loại mắt lưới nhỏ), sau đó chong đèn suốt đêm để thu hút luồng ruốc tìm đến.
Cách thứ hai dùng thuyền di chuyển, nháy đèn pha và sử dụng một chiếc vợt lớn để xúc khi gặp luồng ruốc. Cách này bắt được nhiều ruốc hơn.
Những người chọn cách bủa lưới phải thức dậy từ khoảng 3h, chèo thuyền thúng ra nơi đặt lưới và cùng nhau thu lưới lên.
Dù cùng thu hoạch ruốc trên một khu vực, tùy theo luồng di chuyển mà người bắt được ít, người bắt được nhiều.
Những mẻ ruốc tươi được đổ vào từng khay nhỏ để chuyển bằng thuyền thúng vào bờ. Mùa ruốc sẽ diễn ra đến hết tháng 3, tùy thuộc vào con nước mà lượng ruốc ít hoặc nhiều.
Ruốc tươi có hình dạng và màu sắc như con tép. Ngư dân cho biết, những năm trước ruốc thường xuất hiện vào tầm tháng 1. Ngư dân đi biển lâu ngày nhìn vào màu nước sẽ biết ruốc xuất hiện và bắt đầu vào mùa đánh bắt. Tuy nhiên năm ngoái ngư dân Đà Nẵng mất mùa ruốc.
Chợ mua bán ruốc họp từ 5h sáng ở ngay bờ biển, nhìn ra nơi đánh bắt. Việc mua bán diễn ra trong khoảng 2 giờ.
Thương lái thu mua ruốc ngay tại bờ và bỏ mối tại các chợ, hoặc bán cho người dân, du khách mua tại bến. Giá bán từ 20.000 đến 40.000 đồng/kg. Ruốc làm mắm giá thấp hơn vài nghìn đồng.
Nhiều người mua ruốc tươi về phơi bán 150.000-200.000 đồng/kg. Vào vụ ruốc, mỗi ngư dân có thể thu nhập khoảng một triệu đồng/ngày.
Nguyễn Đông
Theo VNExpress.net