Dù không biết bơi nhưng như một nghịch lý, tôi vô cùng yêu biển và rất hay đi biển. Kỳ thú và gây nhiều cảm xúc nhất có lẽ là quần đảo Togean, thuộc Sulawesi, nơi cuối trời của Indonesia.

Trong nước, từ cực Bắc Sa Vĩ – Trà Cổ đến cực Nam Cà Mau. Ngoài nước từ Baltic đến Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, từ Caspir đến Biển Chết… tôi đều đã qua, trong đó, ưa thích nhất là biển đảo Philippines và Indonesia, nơi tôi đã đi hơn chục lần.

Chuyến đi ngẫu hứng

Có một nơi xa xôi tuyệt vời
Lên thuyền vào làng.

Quyết định đi vùng đảo này đến với tôi khá bất ngờ, như là một phương án chữa cháy cho việc huỷ bỏ hành trình Nam Mỹ hoành tráng đã chuẩn bị trước đó cả 10 tháng

Vậy là trả vé Sao Paolo (Brazil) và quay sang cấp tốc lập nhóm đi Togean. Rủ rê, kêu gọi, thoạt đầu được bốn chị em. Sau, lại có thêm hai em thân thiết từ Sài Gòn lừ lừ nhập bọn, mừng quá đỗi! Trước ngày bay một tháng, có em gái không quen biết nhắn tin xin nhập bọn, thấy ngộ nghĩnh nên chúng tôi gật đầu. Hai tuần trước khi đi, lại thêm cô em thân lẳng lặng mua vé nghiễm nhiên đồng hành. Vậy là tròn tám người, vừa đẹp cho vụ thuê xe.

Nhưng vé bay sát mua ngày quá nên cũng không dễ và rẻ. Như thường lệ, đúng dịp Tết, chúng tôi hăm hở lên đường. Phía trước là biển đảo thiên đường vẫy gọi. Nhưng… suýt nữa thì giấc mơ tan tành ngay tại  sân bay Makassa, thủ phủ vùng Sulawesi.

Có lẽ vì ít người Việt Nam đến đảo Sulawesi, nên khi chúng tôi nhập cảnh đã gặp rắc rối lớn. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh xong, định đi thì hai người đầu tiên trong nhóm bỗng bị gọi lại. Rồi họ gọi hết cả nhóm lại, đưa vào phòng của biên phòng. Đoạn, bắt mỗi người phải trình ra 2.000 đôla, đồng thời, chìa ra một văn bản tù mù đáng ngờ bằng tiếng Indo, trong đó, liệt kê khoảng hơn chục nước “kém phát triển”, bao gồm Việt Nam (!?), bị hạn chế nhập cảnh. Quá ngỡ ngàng, chúng tôi đứng tranh luận mất gần 2 tiếng, mệt đến nỗi phải lôi nguyên cây giò Tết ra ăn, ăn xong lại cãi tiếp. Cuối cùng, phải liên lạc với một người bạn Indo (qua Facebook) để bạn ấy xác nhận thì mới đc nhập cảnh. Sau đó, về nước, tôi đã phản ánh lại vụ việc với tân Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, khi anh chuẩn bị sang nhận nhiệm vụ nên các bạn bây giờ cứ yên tâm mà lên đường, khỏi lo bị chặn nhé!

Có một nơi xa xôi tuyệt vời
Làng Kete Ketsu với những ngôi nhà truyền thống Tongkonan mái hình thuyền ở Toraja trên đường đi Togean.

Chạm đến “thiên đường biển đảo”

Chúng tôi dự kiến đi lần lượt theo hành trình từ thủ phủ Makassar đến vùng  Rantepao, thăm những ngôi làng có nhà hình thuyền và xem lễ hội dân tộc độc đáo ở đây, rồi đi hồ Lake Poso. Sau khi nghỉ ngơi, thư giãn bên hồ, sẽ chạy tiếp đến cảng Ampana để bắt tàu ra quần đảoTogian Islans. Trong đó, sẽ chọn ở 2 đảo là Kadidiri và Malenge. Nhưng trên thực tế, do toàn những người mê biển, quá háo hức được nhanh chóng hòa mình vào làn nước xanh huyền hoặc Togean, nên cả đội quyết định bỏ qua Lake Poso (chỉ ngủ lại gần đó) và đi thẳng ra bến cảng Ampana.

Và chúng tôi đã không phải tiếc nuối về sự lựa chọn của mình, khi có một tuần được thỏa thuê bơi lặn, nghỉ ngơi, thư giãn ở những hòn đảo hoàn toàn biệt lập, như chỉ của riêng mình. Ở nơi đó, chúng tôi đã được nếm trải những thứ không thể gặp ở bất cứ đâu. Một vùng biển trời đẹp như không có thật, với đủ các dải màu, các sắc độ xanh của nước, từ lá cây đến lam ngọc, phỉ thúy, cobalt… Một vùng biển nông và gần như kín giữa đại dương trong veo pha lê, với các loại san hô đủ màu tuyệt đẹp và thích nhất là có thể nhìn thấu và chụp hình chúng từ trên những chiếc cầu gỗ thơ mộng.

Những chiều  bơi lặn tự do tuyệt đối bên rìa đảo vắng, trong tiếng cầu kinh Koran âm vang mặt biển dưới ánh tà dương.

Có một nơi xa xôi tuyệt vời

 

Có một nơi xa xôi tuyệt vời
Làng của những người Bajau, hay còn gọi là dân du mục biển (Sea Gypsies or Sea Nomads). Đó là những tộc thiểu số thuộc hệ Nam Đảo, có nguồn gốc từ miền Nam Philippines. Họ có lối sống du cư trên biển. 

Những đêm nhảy nhót trên bãi cát vẽ chữ vào đêm bằng lấp lánh lân tinh (từ một loại phù du phát sáng có tên chữ là “lam nhãn lệ”), hay ngồi bên đống lửa giữa các bạn đủ các quốc tịch chuyền tay nhau một cốc rượu cọ, rồi nằm mơ màng nghe các bạn thổ dân đàn hát nhưng bản tình ca Indo…

Một bình minh mưa, cùng nhau phiêu lưu trên chiếc thuyền độc mộc dài thượt mà chỉ có 2 tay chèo, lèo lái giữa biển cá và san hô. Những ban mai tinh khiết nằm đu đưa võng dưới tán dừa hoặc bên nhau ngồi đọc sách mặc  gió biển mơn man quanh mình.

Một chiều chạng vạng theo bạn Rolly thổ dân chủ nhà trọ luồn rừng đi đặt bẫy cua dừa – một trong 20 loài quái dị nhất của thế giới động vật.

Có một nơi xa xôi tuyệt vời
 Nhà nghỉ ở đảo Kadari, khá đúng với tên gọi Thiên đường của nó.

Những trưa vào làng của bộ tộc du mục biển, lùng mua tôm hùm, bạch tuộc, rồi về loay hoay tự chế món gỏi hoặc mua sầu riêng ăn mệt nghỉ, với giá rẻ không tưởng: 5.000 rupi (7.000 đồng)/quả.

Những chuyến đi ngắm cá heo bơi theo tàu hoặc tung tăng nghịch ngợm từng đàn xa xa…

Có một nơi xa xôi tuyệt vời
Nụ cười Bajau hồn hậu.
Có một nơi xa xôi tuyệt vời
Cua dừa, được mệnh danh là một trong 20 quái vật còn lại trên thế giới. Nó có thể sống 30 năm và dài cả mét. Sau khi mắc bẫy nó được nuôi bằng dừa nướng, trong những ô riêng để khỏi đánh nhau. Có con nặng đến 7kg. Con cua dừa này, chỉ là loại cỡ vừa nhưng chủ  không dám đưa khách mua cầm vì sợ nó quắp.
Có một nơi xa xôi tuyệt vời
Rượu cọ, một đặc sản của Sulawesi.
Có một nơi xa xôi tuyệt vời
Lặn ngắm san hô.

 

Có một nơi xa xôi tuyệt vời
Một khi đã đặt chân đến vùng biển này, bạn sẽ bị ám ảnh mãi bởi những dải xanh huyền ảo.

Và biết bao những sự cố bất ngờ, đầy kịch tính xảy ra từ đầu đến cuối hành trình: Bay xuống biển vì mải chụp hình, đang ngủ thì lở núi, đá lăn sập nhà sát vách, bị cầu gai chọc sưng tay, sứa quệt thành sẹo ở chân… nhưng đều kết thúc vui vẻ, may mắn…

Tin tôi đi, một khi đã đặt chân đến vùng biển này, bạn sẽ bị ám ảnh mãi bởi những dải xanh huyền ảo.Và  như bị bỏ bùa mê, bạn sẽ khó rời bỏ ý nghĩ tìm cách quay lại đó. Không phải ngẫu nhiên, trong nhóm bạn tôi đã có người quay lại đó tới 2 lần, trong nửa năm.

Theo Svvn.vn

BÌNH LUẬN