Từ mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững…
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Diễn đàn thường niên quan trọng này.
“Điều thú vị, cuốn hút tôi ngay từ giây phút đầu tiên về diễn đàn này chính là cụm từ “Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững, Chính phủ đã xác định 3 trụ cột quan trọng trong mọi chính sách và mô hình phát triển bao gồm kinh tế – xã hội và môi trường. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh ngày nay, chúng ta càng thấu hiểu đà tăng trưởng kinh tế sẽ không thể duy trì lâu dài nếu thiếu tính bền vững. Phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh, ngược lại chính là nội hàm quan trọng, làm nên điều kiện cần và đủ của tăng trưởng nhanh trong dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cụm từ “nhanh và bền vững” đã thực sự là những từ khóa quan trọng hàng đầu, là lựa chọn chiến lược và hành động xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định, đó cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chúng ta phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau, dù là miền xuôi hay miền ngược, nông thôn, thành thị hay biên giới hải đảo…
… Vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra
Minh chứng cho sự tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế trong gần 3 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau thành quả phát triển kinh tế năm 2017 đạt 6,81%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm và đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Nếu năm 2017, Việt Nam xuất siêu đạt mức kỷ lục 2,1 tỷ USD thì năm 2018, Việt Nam xuất siêu hàng hóa trên 7 tỉ USD, tức gấp hơn 3 lần kỷ lục đã xác lập từ năm trước. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung đã trở thành một trong những quan ngại lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới, đối với tiến trình toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư trong suốt thời gian qua.
Cùng với công nghiệp, nông nghiệp là điểm sáng lớn của kinh tế Việt Nam trong năm 2018 với mức tăng trưởng 3,76%, cao nhất của ngành trong 7 năm; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục hơn 40 tỷ USD, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thủ tướng lấy ví dụ ngành xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam hiện vẫn còn tiềm năng rất lớn mặc dù năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu gần 10 tỷ USD đồ gỗ và lâm sản, nằm trong top 5 các nước xuất khẩu nội thất toàn cầu…
Chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện rất rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động tăng dần và hệ số ICOR giảm dần so với các năm trước. Và đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đi đôi với ổn định vĩ mô, lạm phát dưới 4%; tăng trưởng tín dụng dưới 14% thấp hơn nhiều so với mức 17, 18% của các năm trước. Dự trữ ngoại hối năm 2018 đạt mức kỷ lục gần 60 tỷ USD.
Đặc biệt, chưa có thời điểm nào trước đây, Việt Nam được chứng kiến sự lớn mạnh cùng với quyết tâm vươn ra biển lớn của khu vực kinh tế tư nhân như 2 năm vừa qua. Riêng trong năm 2018, trên 130 nghìn doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.
Bắt kịp dòng chảy của nền kinh tế số
Năm 2019, Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại toàn bộ các khía cạnh điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ từ Trung ương đến địa phương, trong đó tập trung vào 3 khía cạnh lớn. Thứ nhất, các tư duy và tiến trình hoạch định phát triển kinh tế-xã hội trong 10 năm trở lại đây, phải chỉ ra được những giá trị kế thừa và những bài học kinh nghiệm lớn, cần tiếp tục được nhận thức và chỉnh đốn nghiêm túc.
Thứ hai, những mục tiêu như Chính phủ số, các giá trị kiến tạo phát triển, sự liêm chính… khó đi vào thực tiễn nếu chúng ta không cải cách những nguyên tắc và mô hình quản trị không còn phù hợp với thực tiễn.
Thứ ba, Chính phủ sẽ đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sự sức bật mới cho sự phát triển, trong đó Chính phủ xác định kinh tế số có vai trò động lực, là cỗ máy tiên phong cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững không nhất thiết phải đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng. Điều này đã không chỉ là khẩu hiệu mà thực sự đã trở thành quyết tâm hành động của Việt Nam.
Trong năm vừa qua, Việt Nam vẫn luôn được đánh giá có môi trường chính trị, xã hội ổn định, cùng với nền tảng vĩ mô được củng cố vững chắc. Hãng đánh giá tín dụng Moody’s đã nâng xếp hạng của Việt Nam từ B1 lên B3, với triển vọng thay đổi từ ổn định sang tích cực.
Dù kinh tế khu vực và thế giới còn tiềm ẩn những nhân tố bất ổn, cuộc cách mạng 4.0 cùng với nền kinh tế số sẽ là một xu hướng lớn, mở ra cơ hội đuổi kịp cho các nước đang phát triển. Việt Nam đang có nhiều lợi thế để bắt kịp với dòng chảy chính của nền kinh tế số.
Hiện tại có 70% thuê bao di động đang sử dụng 3G hoặc 4G, 72% dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại thông minh, 68% người Việt xem video và nghe nhạc mỗi ngày trên thiết bị di động. Tỷ lệ sở hữu điện thoại trung bình là 1,7 máy/người, số người truy cập các trang thương mại điện tử thông qua smartphone chiếm 72% tỷ lệ mua hàng online qua điện thoại chiếm 53%. Đây là cơ sở để Việt Nam tự tin về khả năng chuyển đổi thành công từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số.
Theo một báo cáo của Google và Temasek gần đây về triển vọng các nền kinh tế số ASEAN cho thấy, năm 2018 quy mô nền kinh tế internet của Việt Nam có quy mô khoảng 9 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 35%/năm giai đoạn 2015-2018, chiếm 4% GDP, cao nhất trong số các nền kinh tế ASEAN. Trong đó, lĩnh vực du lịch trực tuyến, thương mại điện tử và truyền thông trực tuyến chiếm tỷ trọng lần lượt là 39%, 31% và 24,4%; còn lại 5,6% là hoạt động giao thức ăn và vận chuyển trực tuyến. Về tốc độ, các giao dịch thương mại điện tử đã tăng gần gấp đôi trong năm 2018 so với năm 2017, riêng quảng cáo trực tuyến và trò chơi tăng trưởng hơn 50% mỗi năm. Có thể nói, nền kinh tế internet Việt Nam đang bùng nổ. Dự báo đến năm 2025, giá trị thương mại gộp của nền kinh tế internet Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 33 tỷ USD.
Chính vì thế, năm 2019 và những năm tiếp theo, Chính phủ vẫn quyết tâm giữ vững sự ổn định về chính trị xã hội và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lẫn vi mô vững chắc; cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước; tiếp tục tăng tốc và tạo ra các bứt phá trong việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy và lan toả tinh thần khởi nghiệp rộng khắp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thực thi việc bảo vệ quyền tài sản cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ đặt chương trình nghị sự ưu tiên trong những năm tới dành cho cải cách giáo dục, trong đó đặc biệt là giáo dục đại học, tập trung vào các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.