Sáng 18/12, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh (JCCH) tổ chức Hội nghị Bàn tròn DN Nhật Bản 2018, giữa chính quyền thành phố và cộng đồng DN Nhật Bản tại đây.
nhieu kho khan vuong mac cua nha dau tu nhat ban duoc giai quyet triet de
Hội nghị Bàn tròn DN Nhật Bản 2018 với chính quyền TP. Hồ Chí Minh

Nhật Bản- nhà đầu tư lớn tại TP. Hồ Chí Minh

Đây là sự kiện thường niên, được duy trì liên tục trong suốt 17 năm qua, thể hiện sự quan tâm của chính quyền TP. Hồ Chí Minh trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN nước ngoài nói chung và DN Nhật Bản nói riêng. Hội nghị là dịp để lãnh đạo thành phố và DN Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh trực tiếp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau xây dựng môi trường đầu tư, chất lượng cuộc sống tại thành phố theo phương châm “Năm sau tốt hơn năm trước”. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp và đề xuất, thành phố đề ra các giải pháp, chính sách phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung.

Theo ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh, tại buổi đối thoại giữa chính quyền thành phố và Hiệp hội DN Nhật Bản năm 2017 và trước hội nghị năm nay có rất nhiều vấn đề được Hiệp hội nêu ra và đã được giải quyết. Điều này thể hiện quyết tâm đồng hành cùng DN của chính quyền nhằm phục vụ nhà đầu tư ngày càng tốt hơn. Thành phố luôn đánh giá Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trên nhiều lĩnh vực.

Tính đến tháng 11/2018, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ năm tại thành phố với 1.247 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đạt gần 4,2 tỷ USD. So với năm 2017, thành phố đã có thêm hơn 200 dự án đăng ký mới và hơn 200 triệu USD vốn đầu tư gia tăng từ Nhật Bản. Hiện Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh đã có 1.000 thành viên, tăng khoảng 70 thành viên tính từ năm ngoái. Để chủ động kêu gọi đầu tư từ Nhật Bản, trong năm qua, ITPC cũng đã thực hiện 2 chuyến công tác xúc tiến thương mại, đầu tư tại Nhật Bản và tiếp 17 đoàn DN Nhật Bản đến tìm hiểu thông tin.

Những con số trên tuy rất ấn tượng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nền tảng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng của hai quốc gia. Vì vậy, chính quyền thành phố hy vọng thông qua hội nghị này và kết quả của các hội nghị trước đó sẽ nâng cao niềm tin của cộng đồng DN Nhật Bản vào chính quyền để DN yên tâm đầu tư kinh doanh tại thành phố – ông Liêm bày tỏ.

Nhiều khó khăn vướng mắc của DN được giải quyết triệt để

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết từ tháng 6/2018, ITPC đã làm việc với JCCH tổng hợp những khó khăn, vướng mắc từ các DN Nhật Bản. Đến giữa tháng 10/2018 đã tổng hợp được 38 câu hỏi liên quan đến 4 nhóm lĩnh vực như môi trường – đời sống; pháp luật – lao động; thuế – hải quan. Trong đó có 16 nội dung vấn đề phát sinh mới trong năm 2018 và 22 nội dung đánh giá lại các vấn đề của các năm 2016 – 2017. Đặc biệt, một số trả lời của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã được DN Nhật Bản hài lòng và đánh giá cao như: các vấn đề về việc nhập khẩu phế liệu, nhập khẩu cá tươi; việc in ấn mã vạch hoặc mã số sản phẩm (MSMV) của nước ngoài tại Việt Nam, về tính hợp lý của giá ghi trên hóa đơn khi khai báo hải quan, kiến nghị về mã HS…

Ngoài ra, các vấn đề được trao đổi thêm tại hội nghị chính thức bao gồm: Đề nghị cung cấp dự thảo mới nhất của Nghị định sửa đổi Nghị định hướng dẫn Luật môi trường; cung cấp thêm thông tin về việc kiểm định chất lượng nước không đạt tiêu chuẩn, kế hoạch bảo trì và nâng cấp đường ống cấp nước; các cơ quan chức năng có những giải pháp chấn chỉnh, giải quyết ô nhiễm tiếng ồn…

Nhìn chung, qua quá trình làm việc, các sở, ban ngành của thành phố đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, thông qua sự phản hồi nhanh chóng, tích cực, rõ ràng, cụ thể các vướng mắc của DN. Điều này thể hiện quyết tâm của TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài trong suốt quá trình hoạt động tại thành phố. Những thắc mắc, câu hỏi tiếp theo của các DN liên quan đến môi trường đầu tư sau hội nghị này cũng sẽ được chính quyền thành phố lắng nghe, giải quyết trong thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết một cách sớm nhất.

Ngọc Thảo- Thanh Minh

Theo báo Công Thương

BÌNH LUẬN