Để thúc đẩy phát triển thương mại biên giới, xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn, trong năm 2018, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thực hiện các quy định trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất; thương mại biên giới…, qua đó tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, góp phần tích cực thu hút các doanh nghiệp hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn.
Xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn) |
Ước tính, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn năm 2018 đạt 4,855 tỷ USD, bằng 100,7% kế hoạch, giảm khoảng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 2.955 triệu USD, đạt 103,7% kế hoạch, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017; nhập khẩu đạt 1.900 triệu USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2017. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu qua Lạng Sơn năm 2018 gồm máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng, hóa chất, nguyên liệu, linh kiện phụ tùng sản xuất… Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản, hải sản, lâm sản các loại (đồ gỗ mỹ nghệ, cá ba sa, tinh bột sắn, gạo, dưa hấu, xoài, thanh long, măng cụt, sầu riêng, nhãn, chuối, ớt, mít quả tươi…).
Nguyên nhân xuất khẩu hàng hóa qua Lạng Sơn năm 2018 bị sụt giảm, theo ông Vũ Hồng Thủy – Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn, là do chính sách quản lý thương mại biên giới của Trung Quốc thắt chặt kiểm soát việc nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phụ. Một số mặt hàng như gạo, lợn hơi… các doanh nghiệp Việt Nam không xuất khẩu được qua cửa khẩu phụ. Từ quý II/2018, Trung Quốc tiếp tục thắt chặt quản lý truy suất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu, nhất là hoa quả có nguồn gốc từ Thái Lan và Việt Nam, điều này cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất khẩu mặt hàng này.
Vận chuyển hàng hóa XNK qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) |
Kim ngạch nhập khẩu suy giảm, còn do tác động từ thực hiện điều kiện khí thải EURO 4 đối với xe ô tô tải và phương tiện vận tải nhập khẩu theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong khi đây là những mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch nhập khẩu qua Lạng Sơn. Bên cạnh đó, việc thắt chặt quản lý chất lượng đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu (theo Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31/12/2015) cũng đã khiến kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này suy giảm.
Bước sang năm 2019, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất, tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch trọng tâm phát triển đối với ngành Công Thương, trong đó tiếp tục chú trọng thúc đẩy phát triển thương mại biên giới, thúc đẩy XNK hàng hóa, đặt chỉ tiêu kế hoạch kim ngạch XNK qua địa bàn năm 2019 phấn đấu đạt 5,180 tỷ USD (xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, nhập khẩu 2,1 tỷ USD và xuất khẩu hàng hóa địa phương 137,5 triệu USD).
Để thực hiện mục tiêu đề ra, ông Vũ Hồng Thủy cho biết, năm 2019, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung triển khai hiệu quả Nghị định 14/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động thương mại biên giới; Nghị định số 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương. Đồng thời, triển khai hiệu quả các Thông tư của Bộ Công Thương liên quan đến thương mại biên giới, XNK hàng hóa như Thông tư số 01/2018/TT-BCT quy định chi tiết về hàng hóa mua bán, trao đổi qua cửa khẩu phu, lối mở biên giới của thương nhân; Thông tư số 02/2018/TT-BCT ngày 27/02/2018 quy định chi tiết danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới…, qua đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, góp phần thúc đẩy và thu hút các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh.