Liên quan đến số tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ của VNCB, những tranh cãi xoay quanh số tiền này chưa bao giờ bớt “nóng”.

Phạm Công Danh lấy 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ từ đâu?

Ngày 13/12, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục ngày làm việc thứ 3 xét xử đại án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB) và 45 đồng phạm về tội Cố ý làm trái, gây thiệt hại cho VNCB 6.126 tỷ đồng.

Không khí phiên xử “nóng” lên khi Phạm Công Danh và các thuộc cấp của mình khai số tiền 4.500 tỷ đồng mà VNCB vay BIDV là để tăng vốn điều lệ.

Phạm Công Danh khai rằng trong số hơn 6.126 tỷ đồng vay được, đã dùng 4.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ cho VNCB. Sau này VNCB bị mua lại với giá 0 đồng thì đổi tên thành Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng (CB) và hiện số tiền này đang nằm tại CB.

Hồ sơ vụ án nhắc đến khoản tiền tăng vốn điều lệ như sau: Phạm Công Danh và các thuộc cấp sau khi được NHNN yêu cầu tăng vốn điều lệ đã dùng nhiều thủ đoạn để vay vốn tại các ngân hàng khác nhau.

Cụ thể, Danh và thuộc cấp tự thành lập hoặc mượn pháp nhân của 23 công ty để làm hồ sơ vay vốn tại BIDV và TPBank. Trong đó, Danh dùng 12 công ty vay BIDV 4.700 tỷ đồng, dùng 11 công ty đứng hồ sơ vay TPBank gần 1.700 tỷ đồng. Danh dùng 4.000 tỷ đồng vay của BIDV và 500 tỷ đồng vay từ TPBank để tăng vốn điều lệ cho VNCB theo yêu cầu tăng vốn điều lệ của NHNN.

VNCB sau khi mất khả năng thanh khoản và “bộ sậu” nhà băng này được xác định có sai phạm và bị bắt để điều tra về tội Cố ý làm trái, NHNN đã mua lại VNCB với giá 0 đồng.

Khai tại tòa, bị cáo Phạm Công Danh khẳng định số tiền 4.500 tỷ đồng mà bị cáo này dùng để tăng vốn điều lệ hiện đang ở CB và đề nghị HĐXX xem xét cấn trừ số tiền 4.500 tỷ đồng này vào số tiền thiệt hại 6.126 tỷ đồng của vụ án nhằm góp phần khắc phục hậu quả.

Các thuộc cấp thân tín của bị cáo Danh là Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Hoàng Đình Quyết cũng khẳng định 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ hiện đang nằm tại CB.

HĐXX cấp phúc thẩm hỏi Danh số tiền 4.500 tỷ đồng dùng tăng vốn điều lệ từ đâu mà có?, có phải vay của BIDV hay không?. Danh đáp: “Trong số tiền tăng vốn điều lệ có rất nhiều phần tiền của nhóm Thiên Thanh do bị cáo bán các bất động sản”. Phạm Công Danh tái khẳng định không sử dụng một đồng nào liên quan đến số tiền này, và hiện tiền đang nằm tại CB.

Trả lời về số tiền 4.500 tỷ đồng, thuộc cấp thân tín của Danh là Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) khai là vay của BIDV. Toàn bộ số tiền này đã được sử dụng cho các hoạt động của VNCB chứ không có bất cứ cá nhân nào được sử dụng riêng. Phan Thành Mai cũng cho biết, sau khi không thể tăng vốn điều lệ, 4.500 tỷ đồng quay trở lại VNCB (nay là CB).

Hồ sơ điều tra - Đại án 6.000 tỷ đồng tại VNCB: Tranh cãi về 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ

Các bị cáo tại tòa.

Ngoài nội dung này, HĐXX còn truy bị cáo Mai về khoản tiền dùng để chăm sóc khách hàng. Bị cáo Mai cho rằng, khi ông Trần Quí Thanh gửi tiền vào VNCB, ngoài lãi suất trả theo quy định của NHNN, thì giữa Phạm Công Danh và ông Thanh còn thỏa thuận một mức lãi ngoài khác. Khoản lãi ngoài này không được công khai trong ngân hàng, bởi đây là thỏa thuận riêng giữa ông Danh và ông Thanh.

CB không đồng ý trả 4.500 tỷ cho Phạm Công Danh

Về 4.500 tỷ đồng bị cáo Danh dùng tăng vốn điều lệ cho VNCB, HĐXX cấp sơ thẩm tuyên buộc CB phải trả lại số tiền này cho bị cáo Danh. Tuy nhiên, do HĐXX đã tuyên thu hồi 2.371 tỷ đồng được xem là vật chứng của vụ án từ CB, nên CB chỉ trả lại hơn 2.128 tỷ đồng cho bị cáo Danh. Vì bị cáo đang còn phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án ở cả 2 giai đoạn của vụ án nên cần giữ lại số tiền hơn 2.128 tỷ đồng này để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bị cáo.

Sau phán quyết này, CB kháng cáo không đồng ý trả số tiền này cho Phạm Công Danh. VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng kháng nghị, cho rằng bản án sơ thẩm nhận định số tiền 4.500 tỷ đồng dùng để tăng vốn điều lệ của bị cáo Phạm Công Danh là không có căn cứ vì số tiền này ông Danh đi vay từ BIDV, TPbank, và từ nhóm Trần Ngọc Bích (Tập đoàn Tân Hiệp Phát).

Các hồ sơ vay tiền là khống, các quan hệ tín dụng là trái pháp luật nên số tiền này không thể xác định là tài sản hợp pháp của ông Danh. Hơn nữa, số tiền 4.500 tỷ Phạm Công Danh đã sử dụng hết nay buộc CB phải trả lại là không phù hợp.

VKS cho rằng số tiền 4.500 tỷ không phải là đối tượng giải quyết của vụ án và không phải vật chứng của vụ án như án sơ thẩm nhận định nên không có cơ sở thu hồi.

Tại phiên tòa hôm nay, đại diện CB đồng tình với kháng nghị của VKS Cấp cao, đồng thời cho rằng cấp sơ thẩm chưa xem xét toàn diện, việc thu thập, đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật ở cấp sơ thẩm chưa phù hợp, chưa toàn diện, có nguy cơ gây thiệt hại tài sản của Nhà nước do số tiền này sau khi hạch toán tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng thì 4.500 tỷ đồng đã trở thành vốn chủ sở hữu của VNCB.

Do đó, các bị cáo trong vụ án này có vai trò trực tiếp điều hành, sử dụng 4.500 tỷ nên phải tự chịu trách nhiệm về việc mất vốn. Vì thế, CB không phải kế thừa trách nhiệm trong việc trả lại số tiền cho cổ đông vì cổ đông góp vốn chính là các bị cáo.

CB cũng cho rằng, số tiền 4.500 tỷ đồng không được xác định là vật chứng vụ án, nên việc tòa sơ thẩm tuyên thu hồi số tiền này là vượt quá phạm vi xét xử. Do đó, đại diện CB yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại phần bản án sơ thẩm liên quan đến khoản tiền 4.500 tỷ đồng nâng vốn điều lệ.

Công Thư

Theo Người đưa tin

BÌNH LUẬN