Ứng dụng kết nối chủ thẻ và người có nhu cầu thanh toán không tiền mặt đạt giá trị giao dịch hàng tỷ đồng dù mới ra mắt không lâu.
Shaca là một trong những dự án nổi bật của chương trình bình chọn Startup Việt 2018 do Báo VnExpress tổ chức. Nhà sáng lập Lê Văn Sinh cho biết từ 15/9-31/10 nền tảng đạt 2,1 tỷ đồng tiền giao dịch với 1.500 người dùng và startup vẫn đang lỗ theo kế hoạch.
Giám khảo Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT thắc mắc về tính pháp lý của dự án bởi thẻ tín dụng là do ngân hàng phát cho một cá nhân, nếu có vấn đề gì xảy ra thì sẽ giải quyết thế nào. Sinh cho biết Shaca là nền tảng kết nối chủ thẻ và người có nhu cầu thanh toán không tiền mặt. Cụ thể, một mặt startup sẽ giúp cho người dùng không có thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, ATM, ví điện tử có lựa chọn phù hợp với nhu cầu thanh toán của hàng hóa, dịch vụ, sau đó tìm ra các loại thẻ phù hợp từ các chủ thẻ trong hệ thống sẵn sàng và đứng ra thanh toán giùm. Khi giao dịch hoàn tất, người dùng sẽ trả lại tiền mặt cho chủ thẻ.
Ý tưởng hình thành dựa trên nhu cầu thực tế mà CEO nhận thấy là luôn có một nhóm người không thể tự trang bị một phương tiện thanh toán trực tuyến vì nhiều lý do như thủ tục ngân hàng hoặc không có điều kiện để có số dư tài khoản. Nhóm còn lại là các chủ thẻ – những nhân viên ngân hàng luôn bị áp lực bởi chỉ tiêu huy động vốn cho vay, thẻ hoặc nợ xấu. Trong đó, tài khoản thẻ là một trong những chỉ tiêu quan trọng.
“Lợi ích thứ nhất là giúp người dùng thực hiện việc thanh toán theo đúng nhu cầu, thứ hai là giúp các nhân viên ngân hàng kiếm thêm thu nhập từ việc cho thuê thẻ đồng thời có thêm dữ liệu khách hàng, người dùng để phát triển khách hàng”, anh trình bày trước hội đồng giám khảo.
Nhà sáng lập Shaca Phạm Văn Sinh trả lời chất vấn của hội đồng chuyên môn Startup Việt 2018. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Định hướng của dự án là một kênh tiếp thị, bán hàng dẫn đầu thị trường dành cho nhân viên ngân hàng. Ở giai đoạn một, Shaca muốn phát triển chức năng cho thuê để tạo hệ sinh thái. Đến giai đoạn đoạn hai công ty sẽ tích hợp thêm chức năng huy động, cho vay và xử lý nợ xấu. Giai đoạn ba là đánh giá kết quả hoạt động để mở rộng ra phạm vi ra Hà Nội. Hiện công ty nhắm đến phát triển nguồn chủ thẻ đạt 10.000 người là nhân viên ngân hàng trong thời gian tới.
“Sứ mệnh của Shaca là tạo một kênh bán hàng dễ dàng cho nhân viên ngân hàng, kích thích tiêu dùng và lưu thông hàng hóa nhanh hơn khi nhu cầu thanh toán online được giải quyết. Kế hoạch sẽ có lợi nhuận từ năm thứ nhất và sau 5 năm lợi nhuận kế hoạch doanh thu khoảng 15 tỷ đồng”, Sinh nói.
Ông Bình đặt vấn đề về tính khả thi của dự án khi hai bên chủ thẻ và người dùng phải gặp nhau trực tiếp mới có thể thanh toán và mức phí sẽ được tính ra sao. “Trong khi đó, nếu người dùng đã có tiền mặt thì thanh toán ngay tại cửa hàng, cần gì phải dùng đến thẻ”, ông chất vấn. Sinh cho biết khi thanh toán bằng thẻ sẽ có những lợi ích riêng bởi một số nơi nhắm đến chương trình khách hàng thân quen. Ngược lại, nhiều người không có khả năng tự trang bị cho mình một thẻ thanh toán.
Mức giá sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận giữa hai bên. Shaca thu tiền từ chủ thẻ. hiện bán theo gói đăng ký thành viên với 50.000 đồng cho 6 tháng và 80.000 đồng cho 12 tháng. “Nguồn doanh thu chính của chúng tôi đến từ nhân viên ngân hàng, sau này sẽ ứng dụng thêm một số dịch vụ khác như kết nối truy cập cho vay với định hướng bán các dịch vụ cho nhân viên ngân hàng”.
Giao diện dành cho người dùng ứng dụng Shaca. Ảnh: Shaca. |
Trước câu hỏi “Lợi ích của nhân viên ngân hàng bán cho bạn là gì?”, Sinh cho hay 100 chủ thẻ hiện nay của anh sẽ được nhận giải pháp kết nối thông tin và dữ liệu của khách hàng. Khi chủ thẻ đi giao dịch cũng là một cơ hội để có thể tiếp xúc trực tiếp với người dùng, tạo ra một kênh bán hàng, tiếp thị.
Giám khảo Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, muốn biết làm sao để đảm bảo chủ thẻ sẽ được trả lại tiền và liệu có chế tài nào dành cho hai bên. Sinh giải thích dự án hướng tới khách hàng là chủ thẻ – những nhân viên kinh doanh thẻ tại ngân hàng nên đã có những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực này.
“Khi sử dụng Shaca, chúng tôi khuyến cáo chỉ thanh toán tối đa từ một đến năm triệu đồng. Mặt khác, Shaca chỉ là nơi cung cấp dịch vụ kết nối giữa người dùng và chủ thẻ, không bảo đảm nếu có tranh chấp.”, nhà sáng lập nói.
Kết quả Top 5 Startup Việt 2018 sẽ công bố tại Gala chung kết diễn ra từ 13h ngày 15/11 tại Gem Center, quận 1, TP HCM.
Hội đồng giám khảo có ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, ông Phạm Văn Tam – sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ Asanzo và ông Phạm Duy Hiếu – Tổng giám đốc điều hành Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học – công nghệ Việt Nam.
Trương Sanh
Theo VNExpress