Hơn 20 cuộc kết nối giữa doanh nghiệp và startup đã diễn ra tại sự kiện Hi-tech Konec.

Ngày 3/11, sự kiện HiTech Konec đã diễn ra tại eSpace Coworking Space, Hà Nội. Nằm trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – Techfest Vietnam 2018, sự kiện nhằm kết nối các doanh nghiệp, startup trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và logistics.

TS. Trần Mạnh Huy – Giám đốc VBPO và anh Trần Quang Cường, sáng lập giải pháp nông nghiệp thông minh Nextfarm tham gia với vai trò diễn giả, đồng hành cùng các startup để trả lời câu hỏi: “Tại sao phải ứng dụng công nghiệp 4.0 trong ngành logistics và công nghiệp hỗ trợ?”.

“Cách mạng công nghiệp 4.0 đã có trên thế giới từ lâu, trong khi khái niệm này gần đây mới nở rộ tại Việt Nam. Bởi lẽ, đa phần doanh nghiệp Việt chưa nghĩ đến cải tiến công nghệ thường xuyên, năng suất lao động còn kém, máy móc lạc hậu và đã lỡ nhịp với cách mạng công nghiệp 3.0, vốn tập trung vào các câu hỏi lớn sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào”, TS. Trần Mạnh Huy nhận định.

Sự kiện thu hút nhiều startup, doanh nghiệp về công nghệ cao và logistics.

Sự kiện thu hút nhiều startup, doanh nghiệp về công nghệ cao và logistics.

Hai vấn đề nổi bật được thảo luận trong sự kiện là, không một doanh nghiệp, startup nào có thể phát triển trong một hệ sinh thái còn thiếu nhiều yếu tố, đặc biệt là tư duy làm lớn và hàm lượng công nghệ còn hạn chế. Mặt khác, trong ứng dụng công nghệ 4.0, doanh nghiệp và startup Việt Nam còn tồn tại nhiều điểm yếu như phần cứng, khâu thiết kế, khả năng cung ứng, kết nối với các doanh nghiệp và xây dựng văn hóa làm việc.

Hai diễn giả cũng nhấn mạnh vai trò của ý thức thu thập dữ liệu. Doanh nghiệp cần xác định rõ nhu cầu, mục đích sử dụng dữ liệu và tìm kiếm những đối tác, mà có thể là các startup để giải quyết bài toán phân tích, chiết xuất thông tin dữ liệu. Ví dụ, trong ngành nông nghiệp, dữ liệu cho phân tích, dự báo đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó còn có những yếu tố khác như xác định cung cầu, xây dựng tiêu chuẩn…

Tham gia sự kiện, nhiều câu hỏi về sử dụng dữ liệu để định giá sản phẩm dịch vụ, tìm kiếm thị trường và khách hàng mới cũng được đặt ra, cho thấy mối quan tâm của các doanh nghiệp. Các vấn đề trong ngành logistics mà doanh nghiệp đang gặp phải như tương tác với quá nhiều phần mềm để tự động hóa toàn bộ quy trình, vướng mắc tích hợp vào hệ sinh thái khi phát triển nền tảng công nghệ cũng được nêu ra.

Hơn 20 cuộc gặp gỡ, kết nối giữa startup và doanh nghiệp sau chương trình.

Hơn 20 cuộc gặp gỡ, kết nối giữa startup và doanh nghiệp sau chương trình.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, các startup có một phút thuyết trình (pitching) về giải pháp trước các doanh nghiệp, nhà đầu tư và tham gia buổi matching (kết nối đầu tư) sau đó.

Ban tổ chức cho biết, sau sự kiện, 24 cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp và startup đã được kết nối. Anh Hà Mạnh Cường – Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Logistics Đông Dương chia sẻ sau chương trình: “Sự kiện là cơ hội để các doanh nghiệp cập nhật những công nghệ mới, các xu hướng và ứng dụng công nghệ mà chính các startup lại đang nắm giữ nhiều công nghệ trong số đó”.

Phạm Vân

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN